Thứ Ba, 9 tháng 12, 2008

Ba Long

Nhà có hai chị em, chị lớn hơn hắn có một tuổi nên chị em toàn xưng mày tao. Ông nội thấy vậy nên cho thêm chữ “hai” vào trước tên chị, còn hắn được gọi là ba Long.
Ngày chị ra đời, nhà khó khăn, ông nội đi làm rẫy tuốt trên Bà Rịa để phụ thêm gia đình. Khi mẹ sanh chị, nhà nhắn lên rẫy cho ông nội biết là cháu gái. Ông nội chỉ nhắn trở về là mắc làm rẫy (dù lúc đó là rằm tháng giêng) kèm theo cái tên đặng đặt cho chị. Hết! Chả bù khi mẹ sinh hắn, nghe tin cháu trai, đang mùa thu hoạch nhưng ông nội bỏ hết rẫy cho người ta, quày quả về, vô thẳng bệnh viện nhìn mặt thằng cháu đích tôn. Sau đó ở nhà đến đầy tháng cháu mới chịu đi rẫy trở lại. Lớn lên, nghe kể lại, chị thấy ghét hắn vì hắn là cháu đích tôn, được cưng nhất nhà.
Nhỏ hơn chị có 1 tuổi, là con trai, lại được cưng nên hắn ngang ngạnh, ương bướng và không bao giờ nhường chị cái gì. Chẳng bao giờ hắn nói được một lời bình thường (chứ đừng nói là nhẹ nhàng) với chị hắn. Chỉ có cãi nhau, giành nhau và kết quả là chị hắn bị người lớn mắng, bị ăn đòn vì không nhường em.
Ngày ba mẹ chia tay nhau, chị hắn khóc, còn hắn ráo hoảnh hai con mắt. Cười toe, hắn bảo có mình hắn ở với ba, từ giờ khỏi mất công giành ăn, giành đồ chơi với ai nữa. Chị nhủ lòng từ nay không thèm nói chuyện với hắn nữa vì hắn chỉ biết ham ăn, ham đồ chơi.
Một ngày, hắn ham chơi bỏ quên cái bóp ở nhà mẹ. Chị tò mò lục bóp. Trong đó rơi ra tấm ảnh. Đó là cái ảnh gia đình chụp chung ngày tết, lúc hắn hãy còn đi nhà trẻ.
Giờ, trong bóp hắn có hai cái ảnh. Cái ảnh từ ngày xưa và cái ảnh gia đình nhỏ của hắn.
Hôm nay sinh nhật hắn.
P/s: Sinh nhựt nó, mình hỏi nó mún tặng cái gì đặng mua. Nó nói: "Hai đừng mua giày dép áo quần mần chi, phí lắm, cho em 2 thùng Heneiken được rồi". Hic! Nghe mờ hết hồn.
Thía là tui lẳng lặng đi mua cho nó cái quần zin cho đỡ tốn. Gọi điện thọi cho dzợ nó hỏi coi mặc size mấy đặng mua cho trúng khỏi mắc công đổi. Trong điện thọi, dzợ nó ỏn ẻn "chị mua cho ảnh bộ đồ tây của Việt Tiến đặng ảnh mặc đi làm, chứ quần zin ảnh ít khi mặc". Hic! "Bộ đồ tây ảnh mặc đi làm" ngốn hết 500 ngờn (tui là ngừ quảng đại, lẻ mấy ngờn coi như bỏ), trong khi tui tính mua cái quần zin có 200 ngờn. Mẹc ơi, chồng nào dzợ nấy!

Thứ Sáu, 5 tháng 12, 2008

Những dấu chấm câu bé nhỏ


Có một người làm mất dấu chấm hỏi (?). Anh ta không thể đặt câu hỏi - những câu hỏi rất quan trọng như “Tại sao?”, “Như thế nào?”, “Để làm gì?”… và thế là anh ta không học hỏi được gì nữa trong cuộc đời mình.

Lần kia, anh ta lại lơ đãng làm rơi mất dấu hai chấm (:). Từ đó, anh ta không thể diễn giải, liệt kê những suy nghĩ của mình. Dần dà, anh ta đánh mất thói quen suy nghĩ, tư duy và vì thế, đánh mất khả năng độc lập của mình. Anh ta chỉ có thể nói theo suy nghĩ của người khác.

Một ngày khác, anh ta làm rơi dấu chấm than (!). Kết quả là anh ta không thể biểu lộ những tình cảm của mình với mọi người, mọi việc xung quanh mình, và dĩ nhiên cũng không thể hiểu được tình cảm hay thái độ của người khác. Một ngày kia, anh ta trở thành người bàng quan, không quan tâm đến bất cứ việc gì trong cuộc sống. Lẽ dĩ nhiên là, anh ta không có nỗi buồn và cũng chẳng thể biết niềm vui.

Cứ như thế, anh ta lần lượt đánh mất các dấu câu còn lại. Dấu cuối cùng mà anh ta còn giữ được cho mình là dấu chấm hết.

Thứ Sáu, 14 tháng 11, 2008

Hôm nay…nhiều cái bỗng dưng.

Bỗng dưng thấy chán
Sáng ra, không muốn dậy. Thấy chán phải trở dậy, cứ muốn nằm cuộn tròn trong cái chăn dù không thấy lạnh. Lười như một con mèo ngày đông, rúc trong chăn ấm nhìn quanh quất. Chỉ muốn nằm chứ không muốn gì khác.
Thấy dửng dưng với mọi thứ xung quanh. Không buồn ăn và tự hỏi sao mình phải ăn khi mà mình thấy chán ngán thế này. Không buồn đọc báo vì cũng chỉ có chừng ấy thứ, và không có thứ nào làm cho mình thấy phấn chấn thêm lên. Không buồn mở miệng cười với ai, và tự hỏi sao mình phải cười khi mình không muốn.
Không buồn uống café. Vào cơ quan pha ly cà phê rồi ngồi nhìn mà không muốn uống. Ngồi nhìn ly cà phê mà như nhìn ly nước lã, không có gì hấp dẫn, không có gì đặc sắc. Lòng còn tự hỏi sao ngày nào mình cũng có thể uống nó nhiều như thế.
Chợt nhớ câu mấy đứa cơ quan hay nói: đến tuổi dậy thì nên như thế. Hic!
Bỗng dưng thấy cáu.
Thấy cáu vì phải đối mặt và giải quyết những việc không ra gì mà khiến mình mất cả ngày. Mà cả tuần đi làm, hầu như toàn phải giải quyết những chuyện như thế. Chuyện to thì trốn, chuyện nhỏ thì làm thành to. Chuyện đáng thì không làm, chuyện không đáng thì cứ làm dây ra hết ngày này sang ngày khác. Đời mình có kéo dài thêm 1 kiếp nữa chắc cũng không đủ để mà giải quyết. Cáu vì mình không có quyền giải quyết tất tần tật những thứ như thế theo ý mình.
Thấy cáu vì phải gặp những người mình không thể hiểu nổi là làm thế nào mà họ tồn tại trong đời này, trong đời mình. Dường như không có gì tồn tại với họ ngoài lợi ích, lợi ích và lợi ích. Thấy cáu vì phải chịu đựng những cái đầu quá nhỏ hẹp cho sự bao dung, cho cái tâm với công việc, cái tình với con người mà lại thừa chỗ cho đố kỵ, ghen ghét và bon chen. Thấy cáu vì mình phải chịu những thứ mà mình không thể chịu nổi. Như mắc kẹt trong một trận đồ bát quái, cửa nào rồi cũng dẫn mình quay trở lại trung tâm của nó, không thể thoát ra được.
Bỗng dưng thấy mọi thứ đều vô vị.
Nhớ câu nói của chị Trinh: tốt thì biết thế nào cho đủ, miễn sao mình sống thật với lòng mình và hết lòng vì người khác, nhất là những người mình yêu quý.
Giá mà nhiều người sống được, dù chỉ một ít thôi, như chị Trinh nói.

Thứ Sáu, 31 tháng 10, 2008

Tháng mười một...

Những ngày tháng mười một mưa dầm…
Ngày học cấp 2, nhóm có 6 đứa, 3 trai 3 gái chơi với nhau rất thân. Những ngày mưa đi học buổi sáng lạnh ngắt, 3 thằng con trai bao giờ cũng đem áo mưa đi đón 3 đứa con gái, và luôn có đủ phần ăn sáng cho cả 6 đứa. Năm sau đi học chiều, bất kể mưa gió thế nào, cả nhóm luôn ăn kem rồi mới về nhà. Trẻ con vẫn cứ là trẻ con, bày ra trò ăn thi, phe trai và phe gái, phe nào ăn chậm hơn thì trả tiền kem. Thế cho nên mới có cái cảnh ăn kem mà nhai rau ráu, loáng cái đã hết nửa ký, răng lạnh buốt, hàm tê cứng không nói được một lời, cứ nhìn nhau cười rũ rượi. Sau vào cấp 3, mỗi đứa chọn cho mình một trường, rồi mỗi đứa một con đường đời, nhưng vẫn chơi với nhau đến giờ. Mỗi lần gặp nhau lại nhắc những chiều ăn kem, hẹn nhau khi nào cả 6 đứa đều có gia đình riêng sẽ tổ chức hội thi ăn kem gia đình. Thế mới biết, những trò trẻ con có khi là những kỷ niệm khắc sâu trong tâm khảm, là cái giữ cho tuổi thơ không phai nhòa, là cái ta còn lại sau những sóng gió của cuộc đời.
Những ngày tháng 11 mưa dầm. Lũ chúng tôi, 6 đứa con gái tuổi 17, để đầu trần chạy loanh quanh những con đường, nghe mưa rơi từng giọt trên trán, trên vai. Dừng xe đạp trên bến phà Thủ Thiêm, nhìn sang bên kia sông dưới làn mưa, cả bọn cầu trời ngày sau đừng đứa nào phải lấy chồng xa để không có cảnh những ngày mưa nhớ nhà. Nước mắt và nước mưa nhòe trên mặt, bỗng thấy cả bọn ngớ ngẩn, phá ra cười rồi lại chở nhau về. Ngang qua gánh hàng cuối chợ, mua mấy củ khoai rồi kéo về nhà tôi, bày cái bếp giữa nhà nấu chè khoai với gừng. Ăn chán chê rồi nằm đắp chăn tán dóc. Nói chán rồi, cả bọn lôi cái mặt tôi ra làm mẫu để thử tay nghề trang điểm: đứa lấy son kẻ môi, đứa dặm má hồng, đứa kẻ mắt, đứa chuốt lông mi… Mạnh đứa nào nấy sáng tác trên cái mặt tôi, rồi bình phẩm, rồi sửa chữa cho đến khi ưng thì thôi. Rồi bảo sau này khi tôi lấy chồng, chúng nó sẽ kéo về trang điểm cái mặt tôi y hệt như thế. Thời gian trôi, khi tôi lấy chồng, chúng nó lại kêu cả đời có một lần, chúng tao chẳng dám thí nghiệm trên cái mặt mày. May cho tôi quá! Hic!
Những ngày tháng 11 mưa dầm, ngồi trong lớp nghe cô Thắng Lợi giảng văn, từng lời đi vào lòng không sao quên được. Giờ học trên lớp không đủ, nên mặc cho những trận mưa lê thê, chiều tôi hay lóc cóc đến nhà cô nói chuyện văn chương… Những ngày tháng 11 cứ thế đi qua, cho đến khi tôi quyết định sẽ thi sư phạm Văn. Nghe tôi chọn nghề, cô gọi tôi đến, mắng cho một trận vì ngày ấy, nghề giáo là nghề không ai chọn, mà tôi lại còn chọn ngành văn. Nhưng sau rốt, cô lắc đầu bảo “đã mang lấy nghiệp vào thân”, rồi đưa cho tôi một chồng sách về học. Năm đầu ở trường sư phạm, ngày 20/11, cô gọi tôi đến, bảo đã quyết làm thầy thì cho ra thầy, còn không ra thầy thì sau này có ai hỏi thì “đừng nói đã từng là học trò của tao”. Lời đe của cô, với tôi, còn hơn trăm lời giáo huấn về nghề của các thầy ở trường sư phạm.
Những ngày tháng 11 của 15 năm trước, Y. tặng tôi một món quà và một lời nhắn. Một phần của lời nhắn ấy là entry “Nắm tay bóng râm” mà tôi đã viết trong một ngày đi ngang ngôi nhà cũ của Y. Phần còn lại của lời nhắn, Y. bảo đối với Y., tôi là người thầy đã dạy Y. nhiều điều trong cuộc sống. Lời đó, tôi không dám nhận, nhưng nó không cho phép tôi nghiêng ngả, luồn cúi, khom lưng trên đường đời. Lời đó của Y. không cho phép tôi đánh mất mình dù không còn theo nghề sư phạm.
Những ngày tháng 11… Lòng cứ bâng khuâng về những tháng ngày xưa.
Những ngày tháng 11… Đi học, nghe lớp bàn nhau chúc mừng thầy cô nhân ngày 20/11, lại thấy lòng mình có chút gì tiếc nuối. Tiếc nuối vì không còn theo nghề sư phạm xưa mình đã chọn, vì đã không thể giữ lời hứa thi đua trong nghề với Y. và N. Nhưng tôi vẫn còn nở nụ cười hạnh phúc khi nhớ về những tháng ngày cũ. Bởi tôi vẫn còn nhớ hết những gương mặt, những cái tên của những tháng ngày cũ. Bởi tôi thấy mình không lẩn tránh những ngày tháng 11.
Những ngày tháng 11…Ngang những ngôi trường, thấy những tháng ngày xưa cũ với bạn bè hiện về: đầy ắp, lung linh và sống động. Thấy tim mình rung những nhịp đã lâu không còn thấy rung.
Tháng 11 lại về. Viết entry này cho tôi và những bạn bè ngày xưa yêu dấu.

Thứ Sáu, 10 tháng 10, 2008

Có những tình yêu tìm thấy

Có những tình yêu tìm thấy
Hôm qua nhận thiệp của hắn. Cuối cùng thì hắn cũng cưới vợ sau chừng chục cuộc tình đã qua. Mà hắn còn chưa đi hết tuổi thứ 30 của đời mình. Không biết bao lần, hắn gọi cho mình lúc nửa đêm, kêu chị ơi em buồn quá vì vừa chia tay với Nh., với H., với gì gì nữa đó mà mình không thể nhớ nổi vì nhiều quá. Không biết bao lần đang đêm mình cứ phải mặc vội cái áo khoác rồi lọ mọ ra ngồi quán café bên nhà với hắn để nghe hắn kể, để nhìn cái mặt sầu thảm của hắn. Rồi cũng không biết bao lần, mình chửi bới hắn, cáu gắt vì đang đêm lại lôi mình dậy online để nghe hắn tả người hắn vừa yêu, để hắn có chỗ mà nói cảm xúc đang dâng tràn. Đã mấy lần hắn bảo hắn sẽ cưới, rồi sau đó lại bảo hình như em chưa yêu chị ơi. Không biết bao lần hắn bảo em có lỗi với cô ấy chị ơi, vì bây giờ mới thấy là mình không yêu cô ấy. Vừa cáu, vừa giận, vừa buồn cười lại vừa thương hắn vì hắn vốn là thế. Hễ hắn thích thì hắn xồng xộc lao tới, nhìn gì ở người ta hắn cũng kêu đẹp, kêu tốt, kêu hay. Nhưng khi thấy rõ là không yêu thì cũng thẳng thừng bảo là không yêu, chia tay, nhận hết lỗi về mình.Hắn cũng biết tính hắn thế nhưng không sửa được, nên sau mỗi lần chia tay cô nào, hắn cũng ăn năn day dứt cả năm trời. Giờ thì hắn cưới thật rồi. Mong hắn đã tìm thấy tình yêu đích thực của mình và hạnh phúc với tình yêu đó.
Có những tình yêu tìm thấy
Trời mưa tầm tã. Chị đến tận cơ quan để đưa thiệp mời. Đám cưới chị, vài hôm nữa là đến. Cũng không bao lâu nữa thì chị bước sang tuổi…50. Nên khi đi mời, chị cũng có đôi chút ngại ngần khi từng ấy tuổi mới lấy chồng…lần đầu. Có người cười nhạt bảo đã ở đến được tuổi đó thì còn lấy chồng làm gì. Có người bảo lấy chồng cho có chồng với người ta, khỏi mang tiếng ế. Lại có người bảo lấy làm gì, làm sao có con cái gì được ở tuổi đó. Sao người đời chỉ nghĩ đến những lý do linh tinh và vớ vẩn đến thế. Sao không ai thấy ánh mắt long lanh hạnh phúc của chị khi nhắc đến tên anh? Sao không ai thấy cái cách mà chị nâng niu từng tấm thiệp, đi gửi tận tay từng người giữa trời mưa gió để biết chị trân trọng vô cùng hạnh phúc mà chị tìm thấy, dẫu có muộn màng so với nhiều người. Và có lẽ, có khi còn hạnh phúc hơn cả nhiều người lấy nhau ở cái thời son trẻ.
Có những tình yêu tìm thấy
M. chia tay khi mới 30 tuổi, một nách 2 con, không có cha mẹ hay chị em để nương tựa. M. làm đủ việc để nuôi con. Một ngày, M. gặp một người và yêu. Nhưng 2 con phản đối, người ấy lại có gia đình và cũng có 2 con. Không muốn có 2 đứa trẻ lại thiệt thòi như con mình, nên M. đành giữ tình yêu ấy trong lòng. Giờ, con cái đã lớn, có gia đình riêng, những ngày lễ tết đưa nhau đi đó đây, mình M. trong ngôi nhà…Tình yêu tìm thấy nhưng không thể giữ cho riêng mình.
Có những tình yêu ta tìm thấy khi đã đi gần hết cuộc đời, nhưng vẫn hạnh phúc hơn những người đi hết đời vẫn không thể tìm thấy tình yêu của mình. Có những tình yêu ta tìm thấy nhưng không thể giữ cho riêng mình, nhưng vẫn hạnh phúc hơn những người không tìm thấy tình yêu.
Có những người không đủ dũng cảm để từ bỏ những cái gần như là tình yêu để tiếp tục cuộc hành trình đi tìm tình yêu. Đơn giản vì họ sợ họ không thể tìm thấy tình yêu, và vì thế, họ mãi mãi không bao giờ tìm thấy tình yêu.

Thứ Ba, 7 tháng 10, 2008

Lạc mất mùa xuân

Khi bị giận
Đôi mắt ta trở thành thừa vì không biết nhìn về đâu, mà có nhìn về đâu thì cũng chỉ là cái nhìn vô hồn, vì mắt ta còn đang dõi trông về phương người đang giận ta.
Cái miệng ta trở thành thừa vì không biết cười với ai, mà cười với ai thì cũng chỉ là cái cười ngơ ngáo và xã giao, vì cái cười thật sự thì người đang giận ta đã cầm giữ nó rồi.
Cái mặt ta bỗng trở nên đáng ghét vì không có tí sức sống nào trên đó, bao nhiêu sức sống đã gửi ở nơi người đang giận ta mà không biết khi nào ta mới có thể mang trở về.
Đầu ta trở nên ngu ngốc cực độ vì không thể nghĩ được cái gì cho mạch lạc. Ý nghĩ mạch lạc duy nhất là ý nghĩ về người đang giận ta.
Khi bị giận
Ta như một tín đồ cuồng tín đang lâm nguy, không biết làm gì để giải thoát cho mình ngoài việc luôn miệng lẩm bẩm tên của đấng cứu thế: người đang giận ta.
Ta thấy ta trở thành kẻ lắm mồm vì cố nói đủ điều linh tinh hòng làm cho người ta cười, dù chỉ là một thoáng cười trong ánh mắt. Nhưng nhiều hơn cả là ta trở thành tên ngốc vì không biết nói gì, vì nói gì cũng thấy mình vô duyên đến lạ.
Ta trở thành kẻ mù màu vì chỉ thấy có một màu xám xịt trước mặt. Bao nhiêu màu sắc tươi sáng là hàng hóa trong kho hải quan, mà ta thì không có giấy tờ hợp lệ để thông quan vì người cấp phép là người đang giận ta.
Khi bị giận
Ta thậm chí còn không biết mình là ai.
Khi bị giận
Ta là người lạc mất mùa xuân.

Thứ Hai, 25 tháng 8, 2008

Chuyện bây giờ mới kể

Hồi nẳm, tui đi chiến dịch tình nguyện hè. Nói hồi nẳm là vì cái năm đó tui vừa xong năm thứ nhất đại học, trẻ đẹp hơn bây giờ nhiều (tức là bây giờ vẫn còn trẻ đẹp á, hehe), cũng tức là cách đây lâu lắm lắm rồi.
Lúc đó, tui đấu tranh tư tưởng dữ lắm, cứ đắn đo giữa chuyện ở nhà đi làm kiếm thêm tiền hay là đi tình nguyện. Hơn nửa lớp tui đăng ký đi rồi, tui làm sao mà ở nhà được. Nhưng tui cũng thích kiếm tiền. Không phải tui ham tiền, mà tại mẹ tui đi làm kiếm cơm bỏ vô cái máy xay như tui đã trần thân (hồi đó, mỗi bữa tui xơi có 1 lon gạo hà, hehe), nên tui hay nhận đồ làm gia công cho người ta để kiếm thêm tiền mua sách. Mà nói cho đúng là kiếm tiền photo sách chứ làm gì mua nổi. Hic! Sau mấy tuần trằn trọc, tui chưa quyết định được là đi hay không, thì mẹ tui nói “Đi đi, đời sinh viên ngắn lắm con”. Tui nghe xong câu đó, chưa kịp mừng vì mẹ hiểu mình quá, thì mẹ tui thêm câu nữa: “Với lại, con đi 5 tuần, tiền cơm mẹ tiết kiệm được còn nhiều hơn tiền con làm thêm”. Tui bái phục mẹ tui luôn!
Trước ngày lên đường, mỗi đứa được phát 1 cái áo thun màu xanh lá sẫm, có in chữ CHIẾN DỊCH ÁNH SÁNG VĂN HÓA HÈ. Nhận cái áo, đứa nào cũng hỡi ôi, vì là nếu mặc nó mà thắt thêm cọng dây lưng thì đẹp không thua gì tài tử Hàn Quốc bây giờ (giá mà hồi đó có phim Hàn để coi thì khỏe re rồi). Một bầy con gái tụi tui hối hả đem đi sửa cho nó vừa (chiều dài thôi, chứ còn chiều ngang thì đành chịu). Chiều, đến Củ Chi, sau khi ổn định chỗ ăn chỗ ở, lại hè nhau đem giặt áo để hôm sau đồng phục ra ngoài ủy ban (xã làm lễ đón mấy thầy mấy cô ở Sìa Gòn dìa). Sáng sớm hôm sau, trong khi cả đám còn dàn hàng ngang đánh răng ngoài giếng, tui liếc ra ngoài sào mà sao hỏng thấy cái áo của mình. Sao cái nào cũng ngắn, cái áo của mình dài nhất, thì không có. Đếm đi đếm lại thấy vẫn đủ chục cái của chục đứa. Trời mẹc ơi, nó bị rút! Chục cái áo đều biến thành áo khỉ (nói văn hoa là áo ghi-lê á) vừa ngắn (mặc áo rồi mà vẫn còn thấy cái rún) vừa chật. Một lũ chúng tôi vừa quê vì hỏng có mặc đồng phục như người ta, vừa bực vì bị đám con trai chọc quê “ai biểu mấy bà ở sạch, mặc mới có 1 ngày mà bày đặt giặt”. Hic!
Năm đó, nhiệm vụ của tụi tui là dạy xóa mù chữ, nên phải dạy buổi tối vì ban ngày bà con đi làm nông, ở hết ngoài ruộng. Lúc mấy anh ở xã Đoàn dẫn tụi tui đi từng ấp để biết điểm dạy của từng đứa, đi một thôi vòng quanh cái xã, nhìn chỗ nào cũng thấy toàn bờ tre với ruộng lúa, thành ra hỏng có nhớ đường nào với đường nào. Tối đi dạy, ba Khiêm (là chủ nhà nơi chúng tôi ở) biểu con ra ngoài bờ rào quẹo phải, đi hết hàng bông dâm bụt là tới bờ ruộng, quẹo trái đi thẳng là tới đường lộ. Tui vớí đứa nữa hăm hở xắn quần, tay đèn pin tay xách giỏ bước đi. Cha mẹ ơi, hết hàng bông dâm bụt là cái…nghĩa địa. Từ nhỏ tới lớn, có đứa nào ra nghĩa địa lần nào đâu, đừng nói tới cái nghĩa địa ban đêm, hỏng có đèn đuốc chi ráo. Sau một hồi đứng đâu lưng nhau (cho đỡ sợ vì cái lưng trống trống gió lùa lạnh ngắt) bàn tính, 2 đứa tui đếm tới ba rồi cắm đầu…chạy băng qua cái nghĩa địa. Thần hồn át thần tính, 2 đứa quẹo phải thay vì quẹo trái. Chạy một chập sao thấy đường ngày càng nhỏ, chớ có cái đường lộ nào đâu. Thế là đành quay trở lại, tới cái mép nghĩa địa, 2 đứa tui lại cắm đầu chạy thêm lần nữa.Vô tới lớp, mặt mày không còn miếng màu, áo quần xốc xếch, tóc tai rối beng. Học trò nhìn 2 cô như người cõi trên mới giáng. Sau một trận cười nắc nẻ, từ đêm sau, học trò thay phiên nhau tới nhà rước 2 cô ra lớp sau khi nghe 2 cô thật thà khai rõ sự tình.
Ban đêm đi dạy, ban ngày ở nhà, sau mấy ngày làm thơ viết văn thỏa chí (trừ tui, dù cả 10 đứa tui đều là dân khoa Văn) vì lần đầu sống ở nông thôn trăng thanh gió mát, thì tụi tui đâm chán. Thế là bàn nhau “ra đồng giúp dân”. Mấy bác thấy mấy cô ra ruộng đòi cấy thì cảm động lắm, đưa cho mỗi đứa 1 bó rồi dặn dò rất kỹ lưỡng. Cả chục đứa xắn quần lội xuống, đang lui cui thì nghe “Mẹ ơi cứu con! Đỉa! Đỉa!”. Vừa dứt tiếng hô, thì cả 10 bà đều đã đứng trên bờ ruộng (trẻ khỏe nên phản xạ nhanh mà). Bà con cô bác được một bữa cười còn hơn coi Hoài Linh tấu hài. Bác nọ ứng khẩu ra câu này nè: “Người ta đi cấy lấy công. Tui nay đi cấy lấy công…trận cười”. Hic! Cả chục đứa vác cục quê tổ bố, lủi thủi dìa.
Hồi đó, nông thôn mình toàn cầu cá chứ chưa có nhà vệ sinh. Mà cầu cá thì hỏng phải nhà nào cũng có, mà mỗi ấp có 2 cái ao để dành xài chung. Ấp Chợ mà tụi tui ở khi đó cũng ác nghiệt, có hai hàng dâm bụt rất đẹp dài theo cái lối vào cầu cá, mà con đường này lại là đường cụt. Cho nên mới có cái cảnh “tiến thoái lưỡng nan” vầy nè: đi vô tới nơi thì không có cái nào trống, về thì xa mà đứng đợi thì quê, đành đứng ngắm trời mây, ngắt hoa cho đỡ quê. Thấy cô giáo đứng đợi, mấy bác thương tình biểu “Thôi, cô vô trước đi, tui chờ nữa cũng được”. Tui hóa đá luôn, từ chối thì không được mà vô thì hỏng phải phép. Rồi có bác đi vô, hỏi “Cô đi cầu hả cô?”. Trời ơi, bác hỏi câu này khó quá, tui biết trả lời sao đây!
Mấy bữa đầu, sĩ diện, không bao giờ tui nói tui đi cầu cá. Có hôm cầm tờ báo đi ra khỏi nhà để giải quyết nhu cầu, tụi nó hỏi đi đâu, tui biểu ra ngoài bờ tre đọc báo cho mát. Lúc về, thấy mấy cái hoa dâm bụt đẹp quá, tiện tay ngắt cầm về, thế là tụi nó biểu chuyện lạ, cây tre nở ra hoa dâm bụt. Lộ tẩy, quê một cục! Nhưng tui quê với mấy đứa nó chưa bằng quê với mấy bác. Bữa nọ, tui đang ngồi trên cầu thì ba của học trò đi ngang, cười vơi tui rồi nói “Chào cô!”. Trời ơi, tui muốn lộn cổ xuống ao cá luôn cho xong. Bữa sau, rút kinh nghiệm, tui vừa ngồi vừa đọc báo, đinh ninh không có ai chào cô nữa. Thế mà vẫn bị chào mới lạ. Sau mới biết, chỉ có mấy thầy cô ở Sìa Gòn dìa mới đọc báo, chớ bà con chỉ nghe loa phóng thanh của xã. Hic! Chạy trời không khỏi nắng.
P/s: năm nay thành phố kỷ niệm 15 năm phong trào tình nguyện nên tui nhớ chuyện hồi đó mình đi, có nhiều kỷ niệm mà hỏng dám kể. Bữa nay mới dám kể, cũng coi như hùn vào kỷ niệm của thành phố.

Chuyện bây giờ mới kể

Hồi nẳm, tui đi chiến dịch tình nguyện hè. Nói hồi nẳm là vì cái năm đó tui vừa xong năm thứ nhất đại học, trẻ đẹp hơn bây giờ nhiều (tức là bây giờ vẫn còn trẻ đẹp á, hehe), cũng tức là cách đây lâu lắm lắm rồi.
Lúc đó, tui đấu tranh tư tưởng dữ lắm, cứ đắn đo giữa chuyện ở nhà đi làm kiếm thêm tiền hay là đi tình nguyện. Hơn nửa lớp tui đăng ký đi rồi, tui làm sao mà ở nhà được. Nhưng tui cũng thích kiếm tiền. Không phải tui ham tiền, mà tại mẹ tui đi làm kiếm cơm bỏ vô cái máy xay như tui đã trần thân (hồi đó, mỗi bữa tui xơi có 1 lon gạo hà, hehe), nên tui hay nhận đồ làm gia công cho người ta để kiếm thêm tiền mua sách. Mà nói cho đúng là kiếm tiền photo sách chứ làm gì mua nổi. Hic! Sau mấy tuần trằn trọc, tui chưa quyết định được là đi hay không, thì mẹ tui nói “Đi đi, đời sinh viên ngắn lắm con”. Tui nghe xong câu đó, chưa kịp mừng vì mẹ hiểu mình quá, thì mẹ tui thêm câu nữa: “Với lại, con đi 5 tuần, tiền cơm mẹ tiết kiệm được còn nhiều hơn tiền con làm thêm”. Tui bái phục mẹ tui luôn!
Trước ngày lên đường, mỗi đứa được phát 1 cái áo thun màu xanh lá sẫm, có in chữ CHIẾN DỊCH ÁNH SÁNG VĂN HÓA HÈ. Nhận cái áo, đứa nào cũng hỡi ôi, vì là nếu mặc nó mà thắt thêm cọng dây lưng thì đẹp không thua gì tài tử Hàn Quốc bây giờ (giá mà hồi đó có phim Hàn để coi thì khỏe re rồi). Một bầy con gái tụi tui hối hả đem đi sửa cho nó vừa (chiều dài thôi, chứ còn chiều ngang thì đành chịu). Chiều, đến Củ Chi, sau khi ổn định chỗ ăn chỗ ở, lại hè nhau đem giặt áo để hôm sau đồng phục ra ngoài ủy ban (xã làm lễ đón mấy thầy mấy cô ở Sìa Gòn dìa). Sáng sớm hôm sau, trong khi cả đám còn dàn hàng ngang đánh răng ngoài giếng, tui liếc ra ngoài sào mà sao hỏng thấy cái áo của mình. Sao cái nào cũng ngắn, cái áo của mình dài nhất, thì không có. Đếm đi đếm lại thấy vẫn đủ chục cái của chục đứa. Trời mẹc ơi, nó bị rút! Chục cái áo đều biến thành áo khỉ (nói văn hoa là áo ghi-lê á) vừa ngắn (mặc áo rồi mà vẫn còn thấy cái rún) vừa chật. Một lũ chúng tôi vừa quê vì hỏng có mặc đồng phục như người ta, vừa bực vì bị đám con trai chọc quê “ai biểu mấy bà ở sạch, mặc mới có 1 ngày mà bày đặt giặt”. Hic!
Năm đó, nhiệm vụ của tụi tui là dạy xóa mù chữ, nên phải dạy buổi tối vì ban ngày bà con đi làm nông, ở hết ngoài ruộng. Lúc mấy anh ở xã Đoàn dẫn tụi tui đi từng ấp để biết điểm dạy của từng đứa, đi một thôi vòng quanh cái xã, nhìn chỗ nào cũng thấy toàn bờ tre với ruộng lúa, thành ra hỏng có nhớ đường nào với đường nào. Tối đi dạy, ba Khiêm (là chủ nhà nơi chúng tôi ở) biểu con ra ngoài bờ rào quẹo phải, đi hết hàng bông dâm bụt là tới bờ ruộng, quẹo trái đi thẳng là tới đường lộ. Tui vớí đứa nữa hăm hở xắn quần, tay đèn pin tay xách giỏ bước đi. Cha mẹ ơi, hết hàng bông dâm bụt là cái…nghĩa địa. Từ nhỏ tới lớn, có đứa nào ra nghĩa địa lần nào đâu, đừng nói tới cái nghĩa địa ban đêm, hỏng có đèn đuốc chi ráo. Sau một hồi đứng đâu lưng nhau (cho đỡ sợ vì cái lưng trống trống gió lùa lạnh ngắt) bàn tính, 2 đứa tui đếm tới ba rồi cắm đầu…chạy băng qua cái nghĩa địa. Thần hồn át thần tính, 2 đứa quẹo phải thay vì quẹo trái. Chạy một chập sao thấy đường ngày càng nhỏ, chớ có cái đường lộ nào đâu. Thế là đành quay trở lại, tới cái mép nghĩa địa, 2 đứa tui lại cắm đầu chạy thêm lần nữa.Vô tới lớp, mặt mày không còn miếng màu, áo quần xốc xếch, tóc tai rối beng. Học trò nhìn 2 cô như người cõi trên mới giáng. Sau một trận cười nắc nẻ, từ đêm sau, học trò thay phiên nhau tới nhà rước 2 cô ra lớp sau khi nghe 2 cô thật thà khai rõ sự tình.
Ban đêm đi dạy, ban ngày ở nhà, sau mấy ngày làm thơ viết văn thỏa chí (trừ tui, dù cả 10 đứa tui đều là dân khoa Văn) vì lần đầu sống ở nông thôn trăng thanh gió mát, thì tụi tui đâm chán. Thế là bàn nhau “ra đồng giúp dân”. Mấy bác thấy mấy cô ra ruộng đòi cấy thì cảm động lắm, đưa cho mỗi đứa 1 bó rồi dặn dò rất kỹ lưỡng. Cả chục đứa xắn quần lội xuống, đang lui cui thì nghe “Mẹ ơi cứu con! Đỉa! Đỉa!”. Vừa dứt tiếng hô, thì cả 10 bà đều đã đứng trên bờ ruộng (trẻ khỏe nên phản xạ nhanh mà). Bà con cô bác được một bữa cười còn hơn coi Hoài Linh tấu hài. Bác nọ ứng khẩu ra câu này nè: “Người ta đi cấy lấy công. Tui nay đi cấy lấy công…trận cười”. Hic! Cả chục đứa vác cục quê tổ bố, lủi thủi dìa.
Hồi đó, nông thôn mình toàn cầu cá chứ chưa có nhà vệ sinh. Mà cầu cá thì hỏng phải nhà nào cũng có, mà mỗi ấp có 2 cái ao để dành xài chung. Ấp Chợ mà tụi tui ở khi đó cũng ác nghiệt, có hai hàng dâm bụt rất đẹp dài theo cái lối vào cầu cá, mà con đường này lại là đường cụt. Cho nên mới có cái cảnh “tiến thoái lưỡng nan” vầy nè: đi vô tới nơi thì không có cái nào trống, về thì xa mà đứng đợi thì quê, đành đứng ngắm trời mây, ngắt hoa cho đỡ quê. Thấy cô giáo đứng đợi, mấy bác thương tình biểu “Thôi, cô vô trước đi, tui chờ nữa cũng được”. Tui hóa đá luôn, từ chối thì không được mà vô thì hỏng phải phép. Rồi có bác đi vô, hỏi “Cô đi cầu hả cô?”. Trời ơi, bác hỏi câu này khó quá, tui biết trả lời sao đây!
Mấy bữa đầu, sĩ diện, không bao giờ tui nói tui đi cầu cá. Có hôm cầm tờ báo đi ra khỏi nhà để giải quyết nhu cầu, tụi nó hỏi đi đâu, tui biểu ra ngoài bờ tre đọc báo cho mát. Lúc về, thấy mấy cái hoa dâm bụt đẹp quá, tiện tay ngắt cầm về, thế là tụi nó biểu chuyện lạ, cây tre nở ra hoa dâm bụt. Lộ tẩy, quê một cục! Nhưng tui quê với mấy đứa nó chưa bằng quê với mấy bác. Bữa nọ, tui đang ngồi trên cầu thì ba của học trò đi ngang, cười vơi tui rồi nói “Chào cô!”. Trời ơi, tui muốn lộn cổ xuống ao cá luôn cho xong. Bữa sau, rút kinh nghiệm, tui vừa ngồi vừa đọc báo, đinh ninh không có ai chào cô nữa. Thế mà vẫn bị chào mới lạ. Sau mới biết, chỉ có mấy thầy cô ở Sìa Gòn dìa mới đọc báo, chớ bà con chỉ nghe loa phóng thanh của xã. Hic! Chạy trời không khỏi nắng.
P/s: năm nay thành phố kỷ niệm 15 năm phong trào tình nguyện nên tui nhớ chuyện hồi đó mình đi, có nhiều kỷ niệm mà hỏng dám kể. Bữa nay mới dám kể, cũng coi như hùn vào kỷ niệm của thành phố.

Thứ Hai, 28 tháng 7, 2008

Bánh mì

Tui là đứa mê ăn bánh mì.
Nói thật ra thì cái đam mê này không phải tự nhiên mà do hoàn cảnh đưa đẩy mà nên. Những năm tôi học cấp 2, vì đời sống quá khó khăn, mẹ tôi mở cái hàng café tại nhà. Buổi nào tôi đi học thì dì 9 tôi bán hàng, buổi còn lại tôi ở nhà làm cô chủ nhỏ. Quán đông khách nên tôi (khi ấy bé tẹo) không kham nổi việc nấu cơm. Cách nhanh nhất để lấp đầy cái bụng mà lấy sức coi hàng là ăn bánh mì. Riết thành quen, với tôi việc ăn bánh mì cũng như người khác ăn cơm chiều. Sáng đi học sớm, món rẻ mà no cũng lại là bánh mì. Hic!
Rồi ngày qua đi, qua đi…Bánh mì cùng tôi đi suốt thời học trò, qua thời sinh viên và trung thành tuyệt đối đến những ngày đầu bước chân vào đời với đồng lương tập sự. Và cả bây giờ, trong thời buổi cái gì cũng tăng, chỉ có lương là ổn định, thì bánh mì càng chứng tỏ chân giá trị của mình.
Mấy bữa nay Sài Gòn mưa chiều, trời se lạnh, tui lại càng thèm ác cái món bánh mì.
Mà bây giờ, bánh mì ở Sài Gòn này phong phú không thể tả.
Nếu lấy tiêu chí phân loại là giá tiền, bạn có thể mua ổ bánh mì thịt giá 3 ngàn (ở mấy xe bánh mì lề đường), giá 10 ngàn (bánh mì Hà Nội trên đường Nguyễn Thiện Thuật), giá 25 ngàn (ở tiệm bánh mì BAMIZON cạnh Nhà Văn hóa Thanh niên) hay giá 7USD như ở VinPearl Land (mà tui trót phải mua). Còn nếu bạn nào đã vào khách sạn New World hay Park Hyat ăn bánh mì chuẩn 5 sao thì cho tui hỏi giá cả vậy.
Nếu lấy tiêu chí phân loại là nhân bánh mì, thì không biết cơ man nào mà kể. Bánh mì có thể chứa trong nó nhiều loại nhân không thể ngờ. Người ăn chay thì cứ cho vào đó ít dưa leo, đồ chua và mấy giọt nước tương.
Còn lại thì ta có nhé: bánh mì bì chang nước mắm ớt, bánh mì thịt heo quay, bánh mì thịt phá lấu, bánh mì bơ đậu phộng với đường, bánh mì với bơ mứt, bánh mì với bơ đường, bánh mì với trứng ốp-la, bánh mì với thịt chà bông, bánh mì với xíu-mại, bánh mì với pa-tê, bánh mì hấp chung với thịt bò bằm cuốn trong rau sống chấm nước mắm ớt…Và đặc biệt lạ là bánh mì chấm café sữa nóng. Món này mà thưởng thức vào một ngày mưa bụi se lạnh, ở một cái quán cóc ven đường, trong một khu phố đầy người Hoa thì mới thấy hết cái hấp dẫn của nó.
Bánh mì giá rẻ, lại ăn chung được với nhiều món từ bình dân đến sang trọng, đắc dụng trong nhiều trường hợp (đem đi xa, để được lâu, có thể nhồi nhét cho gọn vì biến dạng vẫn ăn được, vừa chạy xe vừa gặm cho kịp giờ làm, hihi), chế biến nhanh, khi ăn không cần hâm nóng nên người Sài Gòn rất khoái. Sáng, cứ chạy một vòng thành phố, đố bạn tìm được con đường nào không có xe bánh mì (trừ những con đường thực hiện “nếp sống văn minh đô thị”, hic!). Tui cứ nhớ hoài cái cảnh chở 300 ổ bánh mì thịt lúc 4g sáng để phát cho mấy đứa con nít đi trại hè. Nếu không là bánh mì mà là bánh bao hay xôi, thì chắc là chúng nó xịt hết ruột ra ngoài trước khi tới tay người ăn.
Tui đây sưu tầm vài chục địa chỉ bán bánh mì ở Sài Gòn này, có thể phục vụ cơ bản các nhu cầu về bánh mì. Ai cần, cứ để lại địa chỉ trên quick com, tui chỉ dùm cho. Cái này có công lao sưu tầm nên phải giữ bản quyền, không công bố ở entry này được.
P/s: thấy chị Bầu Bí viết cái entry cá nục của miền Trung, tui cũng bắt chước viết "ẩm thực" Sài Gòn.

Thứ Hai, 21 tháng 7, 2008

Bạn

Những chiều như những chiều này, tôi lại nghĩ đến bạn.
Những chiều này không hẳn là những chiều. Đó là những khi tôi thấy mình bé nhỏ, cô đơn và buồn bã. Lòng tôi trĩu nặng điều gì đó không rõ, oán trách mình hay ai đó không rõ, giận hờn mình hay ai đó không rõ.

Những khi như thế, tôi là người vô cùng khó gần.
Ngày xưa, những khi tôi như thế, chỉ còn mỗi bạn ở lại bên tôi. Lặng lẽ ngồi bên cạnh, thi thoảng nắm lấy bàn tay tôi, siết chặt rất nhanh rồi buông ra. Có khi đến hàng mấy giờ, tôi ngồi im lặng không một lời, bạn cũng thế, cho đến khi tôi bảo "thôi về".

Cũng có những khi tôi như thế, bạn lại xách chiếc xe chở tôi ra ngoại thành, vứt cái xe dưới chân cầu rồi lôi tôi ra nằm dài ngoài vạt cỏ. Cũng nằm như thế hàng mấy giờ cho đến khi tôi bảo "thôi về". Cũng có khi bạn hát tôi nghe, những bài mà bạn thích. Tôi cứ im lặng nghe mà không một lời. Sau ngẫm ra, thì ra bạn chỉ hát có hai bài: CARELESS WISHPER - Lời thì thầm bất cẩn và THE SOUND OF SILENCE - Âm thanh của sự im lặng.

Giờ, giữa cuộc sống hỗn độn và ồn ào này, còn chỗ nào cho tôi ngồi im lặng? Mà cũng còn có ai ngồi im lặng cùng với tôi.

Thứ Bảy, 19 tháng 7, 2008

Nắm tay bóng râm

Một ngày trong những ngày xa xưa, có một người bạn nói với mình, đại ý rằng, bạn tin mình sẽ là cái cây vươn lên thật cao để đón lấy ánh nắng mặt trời, nhưng mình nhất định phải tỏa bóng mát lại cho cuộc đời.

Lời của bạn theo mình suốt từ bấy đến nay. Vừa là nỗi ám ánh, vừa là niềm tin. Vừa là người cản đường, vừa là người cứu hộ.
Có những khi muốn vươn lên bằng mọi giá, lại giật mình tự hỏi liệu có trả lại được bóng mát cho cuộc đời? Liệu có trả lại được cho bạn dù chỉ một bóng râm bé bằng nắm tay?

Có khi nản lòng trong cuộc sống, lại giật mình tự hỏi cây này dễ dàng khô héo đến thế sao? Khô héo rồi âm thầm biến mất? Ai sẽ trả cho bạn một nắm tay bóng râm niềm tin!

Lời của bạn làm cho mình biết quý từng mỗi bóng râm của cuộc đời!

P/s: entry này viết như một lời cảm ơn Yến – người đã đi cùng tôi những bước đầu trong quãng đường hình thành nên con người tôi bây giờ. Và tôi thấy mình thật may mắn, hạnh phúc vì đã chọn bạn và có bạn.