Thứ Hai, 25 tháng 8, 2008

Chuyện bây giờ mới kể

Hồi nẳm, tui đi chiến dịch tình nguyện hè. Nói hồi nẳm là vì cái năm đó tui vừa xong năm thứ nhất đại học, trẻ đẹp hơn bây giờ nhiều (tức là bây giờ vẫn còn trẻ đẹp á, hehe), cũng tức là cách đây lâu lắm lắm rồi.
Lúc đó, tui đấu tranh tư tưởng dữ lắm, cứ đắn đo giữa chuyện ở nhà đi làm kiếm thêm tiền hay là đi tình nguyện. Hơn nửa lớp tui đăng ký đi rồi, tui làm sao mà ở nhà được. Nhưng tui cũng thích kiếm tiền. Không phải tui ham tiền, mà tại mẹ tui đi làm kiếm cơm bỏ vô cái máy xay như tui đã trần thân (hồi đó, mỗi bữa tui xơi có 1 lon gạo hà, hehe), nên tui hay nhận đồ làm gia công cho người ta để kiếm thêm tiền mua sách. Mà nói cho đúng là kiếm tiền photo sách chứ làm gì mua nổi. Hic! Sau mấy tuần trằn trọc, tui chưa quyết định được là đi hay không, thì mẹ tui nói “Đi đi, đời sinh viên ngắn lắm con”. Tui nghe xong câu đó, chưa kịp mừng vì mẹ hiểu mình quá, thì mẹ tui thêm câu nữa: “Với lại, con đi 5 tuần, tiền cơm mẹ tiết kiệm được còn nhiều hơn tiền con làm thêm”. Tui bái phục mẹ tui luôn!
Trước ngày lên đường, mỗi đứa được phát 1 cái áo thun màu xanh lá sẫm, có in chữ CHIẾN DỊCH ÁNH SÁNG VĂN HÓA HÈ. Nhận cái áo, đứa nào cũng hỡi ôi, vì là nếu mặc nó mà thắt thêm cọng dây lưng thì đẹp không thua gì tài tử Hàn Quốc bây giờ (giá mà hồi đó có phim Hàn để coi thì khỏe re rồi). Một bầy con gái tụi tui hối hả đem đi sửa cho nó vừa (chiều dài thôi, chứ còn chiều ngang thì đành chịu). Chiều, đến Củ Chi, sau khi ổn định chỗ ăn chỗ ở, lại hè nhau đem giặt áo để hôm sau đồng phục ra ngoài ủy ban (xã làm lễ đón mấy thầy mấy cô ở Sìa Gòn dìa). Sáng sớm hôm sau, trong khi cả đám còn dàn hàng ngang đánh răng ngoài giếng, tui liếc ra ngoài sào mà sao hỏng thấy cái áo của mình. Sao cái nào cũng ngắn, cái áo của mình dài nhất, thì không có. Đếm đi đếm lại thấy vẫn đủ chục cái của chục đứa. Trời mẹc ơi, nó bị rút! Chục cái áo đều biến thành áo khỉ (nói văn hoa là áo ghi-lê á) vừa ngắn (mặc áo rồi mà vẫn còn thấy cái rún) vừa chật. Một lũ chúng tôi vừa quê vì hỏng có mặc đồng phục như người ta, vừa bực vì bị đám con trai chọc quê “ai biểu mấy bà ở sạch, mặc mới có 1 ngày mà bày đặt giặt”. Hic!
Năm đó, nhiệm vụ của tụi tui là dạy xóa mù chữ, nên phải dạy buổi tối vì ban ngày bà con đi làm nông, ở hết ngoài ruộng. Lúc mấy anh ở xã Đoàn dẫn tụi tui đi từng ấp để biết điểm dạy của từng đứa, đi một thôi vòng quanh cái xã, nhìn chỗ nào cũng thấy toàn bờ tre với ruộng lúa, thành ra hỏng có nhớ đường nào với đường nào. Tối đi dạy, ba Khiêm (là chủ nhà nơi chúng tôi ở) biểu con ra ngoài bờ rào quẹo phải, đi hết hàng bông dâm bụt là tới bờ ruộng, quẹo trái đi thẳng là tới đường lộ. Tui vớí đứa nữa hăm hở xắn quần, tay đèn pin tay xách giỏ bước đi. Cha mẹ ơi, hết hàng bông dâm bụt là cái…nghĩa địa. Từ nhỏ tới lớn, có đứa nào ra nghĩa địa lần nào đâu, đừng nói tới cái nghĩa địa ban đêm, hỏng có đèn đuốc chi ráo. Sau một hồi đứng đâu lưng nhau (cho đỡ sợ vì cái lưng trống trống gió lùa lạnh ngắt) bàn tính, 2 đứa tui đếm tới ba rồi cắm đầu…chạy băng qua cái nghĩa địa. Thần hồn át thần tính, 2 đứa quẹo phải thay vì quẹo trái. Chạy một chập sao thấy đường ngày càng nhỏ, chớ có cái đường lộ nào đâu. Thế là đành quay trở lại, tới cái mép nghĩa địa, 2 đứa tui lại cắm đầu chạy thêm lần nữa.Vô tới lớp, mặt mày không còn miếng màu, áo quần xốc xếch, tóc tai rối beng. Học trò nhìn 2 cô như người cõi trên mới giáng. Sau một trận cười nắc nẻ, từ đêm sau, học trò thay phiên nhau tới nhà rước 2 cô ra lớp sau khi nghe 2 cô thật thà khai rõ sự tình.
Ban đêm đi dạy, ban ngày ở nhà, sau mấy ngày làm thơ viết văn thỏa chí (trừ tui, dù cả 10 đứa tui đều là dân khoa Văn) vì lần đầu sống ở nông thôn trăng thanh gió mát, thì tụi tui đâm chán. Thế là bàn nhau “ra đồng giúp dân”. Mấy bác thấy mấy cô ra ruộng đòi cấy thì cảm động lắm, đưa cho mỗi đứa 1 bó rồi dặn dò rất kỹ lưỡng. Cả chục đứa xắn quần lội xuống, đang lui cui thì nghe “Mẹ ơi cứu con! Đỉa! Đỉa!”. Vừa dứt tiếng hô, thì cả 10 bà đều đã đứng trên bờ ruộng (trẻ khỏe nên phản xạ nhanh mà). Bà con cô bác được một bữa cười còn hơn coi Hoài Linh tấu hài. Bác nọ ứng khẩu ra câu này nè: “Người ta đi cấy lấy công. Tui nay đi cấy lấy công…trận cười”. Hic! Cả chục đứa vác cục quê tổ bố, lủi thủi dìa.
Hồi đó, nông thôn mình toàn cầu cá chứ chưa có nhà vệ sinh. Mà cầu cá thì hỏng phải nhà nào cũng có, mà mỗi ấp có 2 cái ao để dành xài chung. Ấp Chợ mà tụi tui ở khi đó cũng ác nghiệt, có hai hàng dâm bụt rất đẹp dài theo cái lối vào cầu cá, mà con đường này lại là đường cụt. Cho nên mới có cái cảnh “tiến thoái lưỡng nan” vầy nè: đi vô tới nơi thì không có cái nào trống, về thì xa mà đứng đợi thì quê, đành đứng ngắm trời mây, ngắt hoa cho đỡ quê. Thấy cô giáo đứng đợi, mấy bác thương tình biểu “Thôi, cô vô trước đi, tui chờ nữa cũng được”. Tui hóa đá luôn, từ chối thì không được mà vô thì hỏng phải phép. Rồi có bác đi vô, hỏi “Cô đi cầu hả cô?”. Trời ơi, bác hỏi câu này khó quá, tui biết trả lời sao đây!
Mấy bữa đầu, sĩ diện, không bao giờ tui nói tui đi cầu cá. Có hôm cầm tờ báo đi ra khỏi nhà để giải quyết nhu cầu, tụi nó hỏi đi đâu, tui biểu ra ngoài bờ tre đọc báo cho mát. Lúc về, thấy mấy cái hoa dâm bụt đẹp quá, tiện tay ngắt cầm về, thế là tụi nó biểu chuyện lạ, cây tre nở ra hoa dâm bụt. Lộ tẩy, quê một cục! Nhưng tui quê với mấy đứa nó chưa bằng quê với mấy bác. Bữa nọ, tui đang ngồi trên cầu thì ba của học trò đi ngang, cười vơi tui rồi nói “Chào cô!”. Trời ơi, tui muốn lộn cổ xuống ao cá luôn cho xong. Bữa sau, rút kinh nghiệm, tui vừa ngồi vừa đọc báo, đinh ninh không có ai chào cô nữa. Thế mà vẫn bị chào mới lạ. Sau mới biết, chỉ có mấy thầy cô ở Sìa Gòn dìa mới đọc báo, chớ bà con chỉ nghe loa phóng thanh của xã. Hic! Chạy trời không khỏi nắng.
P/s: năm nay thành phố kỷ niệm 15 năm phong trào tình nguyện nên tui nhớ chuyện hồi đó mình đi, có nhiều kỷ niệm mà hỏng dám kể. Bữa nay mới dám kể, cũng coi như hùn vào kỷ niệm của thành phố.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét