Thứ Bảy, 3 tháng 10, 2009

Mượn lời nói với con


Mùa trăng gọi
(Nguyễn Trung Nguyên)

Ngày cha còn bé trung thu đến
Bà nội chặt tre làm lồng đèn
Ngôi sao sáng cả trời mơ ước
Vỡ cả tiếng cười, vang lối quen

Cha đi suốt cả mùa trăng gọi
Xa quê về sống đất thị thành
Bà nội nay đã già tóc bạc
Cha giờ tóc cũng chẳng còn xanh

Mỗi năm con lớn trung thu đến
Dắt con xuống phố chọn lồng đèn
Bóng điện thay đèn cầy thưở nhỏ
Lồng đèn xanh đỏ chuyện bon chen

Bạn con mấy đứa mang ra đọ
Màu đẹp - pin to - loại đắt tiền
Rước đèn rảo bước hành lang hẹp
Đâu biết lòng cha ngập ưu phiền

Rồi mai Chú Cuội lên vi tính
Mặt trăng chỉ là một vệ tinh
Biết đâu sẽ có người lên ở
Cưa cả cây đa chẳng kể tình

Con ạ! Dẫu cho đời nghiêng ngửa
Cũng nhớ đừng quên chốn cội nguồn
Cổ tích dù chỉ là chuyện kể
Cũng dạy cho ta chớ lạnh lùng

Hôm nay Beo đòi mẹ mua cho cái lồng đèn, mà phải là cái lồng đèn to và chạy pin giống của em Hiệp ở bên cạnh nhà. Định bụng gần đến trung thu sẽ ra khu Phú Bình mua một cái lồng đèn giấy và chỉ cách cho Beo chơi. Giờ, giải thích thế nào hắn cũng không chịu. Đành mượn bài thơ này nói dùm mình. Mong cái blog này còn đến khi Beo biết đọc (và đọc sẽ hiểu). Mà nếu hắn chịu chơi lồng đèn kiểu xưa, chắc Beo cũng sẽ buồn vì không có ai chơi cùng. Mà còn buồn hơn khi Beo phải chơi rước đèn trên một cái hành lang chung cư hẹp, y như đứa bé trong bài thơ! Và mình, tâm trạng cũng ngập ưu phiền như người cha trong bài thơ.
Chắc bây giờ, con nít chỉ toàn chơi lồng đèn bóng điện bằng pin và có cả nhạc (và là nhạc vớ vẩn chi đó bằng tiếng Trung Quốc), chứ chẳng có mấy đứa chịu chơi lồng đèn khung tre giấy bóng kiếng. Mấy cái lồng đèn theo kiểu cổ truyền chỉ còn không mấy xóm làm, mà làm cũng chỉ bán được rất ít. Mọi năm, mình vào khu Phú Bình xem lồng đèn, thấy chỉ có các nhà hàng, khu vui chơi và mấy anh chị cán bộ Đoàn đi mua. Mà mua mấy cái to để treo cho đẹp. Còn mua cái nhỏ, thì chỉ mua để tặng cho trẻ em nghèo ở vùng sâu vùng xa.
Ngẫm ra, không biết trẻ em nào, thành thị hay nông thôn, mới là người thật sự chơi lồng đèn mùa trung thu.
Mỗi mùa trung thu đến, mình vẫn thích đi lùng sục mua bằng được mấy cái lồng đèn nhỏ xíu theo kiểu cũ về treo trong nhà. Mình thích lồng đèn giấy kiếng khung tre, mua cái to về không biết treo chỗ nào, đành mua cái nhỏ xinh treo vừa trang trí nhà vừa có không khí trung thu.

Thứ Ba, 22 tháng 9, 2009

Beo đi học


Beo vào lớp 1 đến nay là tròn tháng. Một tháng Beo đi học là  một tháng cả nhà được rèn vào nề nếp như kỷ luật quân đội: dậy đúng giờ, giờ nào việc nấy, người nào việc nấy. Lăng xăng đưa đón Beo ngày mấy bận trong khi đường sá đầy những lô cốt quả thật là hơi oải, nhưng cái khoản mẹ ngán nhất vẫn là gọi Beo dậy đi học. Mẹ kêu Beo dậy cứ như ca sĩ nhạc thính phòng trình diễn. Thoạt đầu là giọng nữ cao rất nhẹ nhàng, thánh thót. Sau đó cường độ và cao độ tăng dần; rồi chuyển sang giọng nam trầm đầy hăm dọa pha cáu kỉnh và cao trào là một cái đét vào mông Beo. Sau này, khi đã thành nhà văn, nhà thơ như bác cubeo  chẳng hạn , chắc Beo sẽ viết về ngày đầu tiên đến trường như sau: "Sáng sớm hôm ấy, một buổi sáng mùa thu, sau khi ăn một cái đét của mẹ vào mông, tôi vừa ngái ngủ vừa ăn sáng để kịp giờ đến trường".  Hic hic!

Nhưng được cái, Beo rất chăm học và thích đi học. Tối nào cũng vậy, đi bơi về là lao ngay vào bàn viết bài rèn chữ của cô cho về nhà. Trước khi đi ngủ, Beo thích chơi trò đố chữ với mẹ và nghe ba đọc truyện. Đọc báo thấy chuyện học sinh lớp 1 chưa biết viết chữ bị cô giáo phê bình, mẹ cũng lo. Nhưng may mà trường Beo học, đa số các bạn lớp 1 đều chưa biết chữ.

Đi học, Beo thích nhất là lễ chào cờ và thích hát quốc ca. Sáng thứ hai và sáng thứ năm, trường tổ chức lễ chào cờ cho toàn thể học sinh. Những ngày đó, bao giờ Beo cũng dậy ngay mà không cần mẹ phải hát hết bài opera quen thuộc. Thấy các anh chị đội viên giơ tay chào cờ, Beo cũng giơ tay chào. Các anh chị hát quốc ca, Beo cũng lẩm nhẩm hát theo dù vẫn chưa thể thuộc hết cả bài. Kể cho ngoại nghe buổi lễ chào cờ, bao giờ Beo cũng kể say mê hơn tất cả những chuyện khác ở trường.

Sau 1 tháng đi học, Beo được cô tín nhiệm giao cho chức tổ trưởng để... đi thu tập của các bạn giúp cô . Chữ viết của Beo cũng đã khá hơn, có nhiều điểm 8. Beo đã quen được 3 bạn gái học cùng lớp và  đã để dành được 6 nghìn tiền thưởng (Beo giao kèo với ngoại, cứ mỗi điểm 8 thì được thưởng 1 nghìn. Và tiền này Beo để dành...mua nhà ).

chữ Beo


Đây là chữ của Beo hồi mới đi học, cô chấm có 5 điểm.
chữ Beo 2

Còn đây là trang viết được cô cho 8 điểm.








Thứ Tư, 12 tháng 8, 2009

Tiếng đêm

Tôi là người bị ám ảnh bởi đêm. Đêm với tôi có một sức hấp dẫn mãnh liệt nào đó mà tôi không giải thích được. Tôi thích đêm hơn ngày. Bởi nó yên tĩnh chứ không ồn ào. Bởi nó thật thà chứ không lừa dối. Bởi nó là của riêng tôi, không phải chia sẻ cho ai hay cho bất cứ cái gì. Bởi tôi có thể nghe tiếng đêm và tiếng tôi, nghe rất rõ ràng và trong trẻo; không bị vọng bởi chướng ngại nào của đời sống; không bị méo bởi bất cứ tham vọng nào của tôi.
Tiếng đêm,
Đó là những đêm hè tháng 7, tôi nằm dài trên bờ cỏ dọc đường quốc lộ sau một ngày dài gò lưng trên xe đạp. Trên đầu là bầu trời đêm sáng trong và gió thổi lộng, tai áp xuống vệ đường nghe tiếng của xe tải chạy suốt Bắc-Nam, tiếng bánh xe lửa trên đường ray xình xịch, tiếng côn trùng kêu trong những vạt cỏ và tiếng anh bạn chung đoàn hát “ngày vừa lên cho đêm xuống mênh mông”…
Tiếng đêm,
Là tiếng của những người đi làm về khuya thở dài mệt nhọc, đạp xe chậm rãi kẽo kẹt trên đường, chân bước nặng trên hành lang chung cư.
Là tiếng của những chuyến xe đâu đó trên đường, nghe như tiếng xe đi từ quá khứ về một phương trời vô định.
Là tiếng trở người của những hành khách đi xe đêm mệt mỏi, là tiếng bánh xe lạo xạo, ầm ào trên mặt đường.
Là tiếng của chính mình đang ngẫm nghĩ về một ngày đã qua, phần đời đã trôi và cuộc đời sẽ tới.
Tiếng đêm,
Là tiếng thở dài cho một ngày mệt mỏi đang gần. Là tiếng ậm ừ cho việc mình không muốn.
Tiếng đêm,
Là tiếng của những ngày xưa trong trẻo.
Là tiếng của người xưa
Xa khuất….

Thứ Ba, 28 tháng 7, 2009

Công nhận

HBO chiếu lại bộ phim cũ. Nhân vật chính do Robin William thủ vai, kể chuyện một robot ở thời công nghệ cao có hình dáng bề ngoài như con người. Và sau hơn 100 năm tự hoàn thiện mình, chàng robot đã yêu và được yêu bởi một con người thật sự. 

Khi được hỏi phần nào trên cơ thể là phần người, Andrew đã đặt tay lên tim. Một robot đã kiên trì hàng trăm năm để có trái tim thật sự của một con người, dù điều đó phải đánh đổi bằng sự bất tử của một robot. Nhưng có những người, chỉ cần một giây thôi, đã biến trái tim mình thành một cái máy có duy nhất một công dụng là duy trì sự sống - dẫu cho sự sống đó chỉ có giới hạn.

Khi được hỏi việc công nhận là người có ý nghĩa gì, Andrew nói rất đơn giản là "để được công nhận như vốn có, không hơn không kém". Hình như không có nhiều người nghĩ như Andrew. Người khác nhìn nhận mình kém so với vốn có thì chắc là khó mà bằng lòng .  Nhưng  trả lại sự công nhận hơn cái vốn có, thì chắc lại càng khó.

Công nhận như cái vốn có, không hơn không kém - có lẽ chính điều đó làm cho việc công nhận người khác trở thành khó khăn.

Đó là một bộ phim rất hay, dễ thương, cảm động nhưng làm ta đau đầu!

Thứ Bảy, 20 tháng 6, 2009

Niềm tin và tình yêu


Niềm tin và tình yêu, là cái ta phải tự nguyện trao tặng trước khi muốn nhận lại.
Niềm tin và tình yêu, là cái khi ta tự nguyện trao tặng trước, chưa chắc có thể được nhận lại.
Niềm tin và tình yêu, chưa chắc khi ta cho đi nhiều sẽ nhận lại được nhiều như ta mong.
Niềm tin và tình yêu, đều là cái ta trao tặng người khác trên cơ sở cái nhìn của ta về họ, nên nếu họ không được như ta mong, hãy trách ta chứ đừng trách họ.
Niềm tin và tình yêu, đừng nên mang ra để thử, vì như thế là ta không tin và cũng chẳng yêu.
Niềm tin và tình yêu, đôi khi bắt đầu rất tự nhiên và mãnh liệt, không có lý do gì rõ ràng. Và ngày càng bền vững với hàng triệu lý do dễ thương được thêm vào mỗi ngày.
Niềm tin và tình yêu, đôi khi bắt đầu rất tự nhiên và mãnh liệt, không có lý do gì rõ ràng. Và một ngày nào đó, có thể sẽ chẳng còn lại chút gì, cũng với hàng triệu lý do nhỏ nhặt được thêm vào mỗi ngày.
Niềm tin và tình yêu, không có nó thì ta không thể sống.
Khi ta tin thì lẽ tất nhiên là ta cũng yêu – có thể nhiều hay ít, theo cách này hay cách khác.
Khi ta yêu, lẽ dĩ nhiên là ta phải tin – một cách tuyệt đối.

Thứ Sáu, 5 tháng 6, 2009

Tái bản một entry cũ

Nè nhóc

Nè nhóc… quên chưa?
Nè nhóc…Quên chưa những ngày mưa giăng, để đầu trần chạy khắp những phố quen. Tay nắm chặt một bàn tay lạnh ướt, nhưng nghe lòng ấm hẳn…bởi bàn tay.
Nè nhóc…Quên chưa những ngày ngồi trong lớp, mắt nhìn thầy mà hồn gửi tận đâu. Những con chữ, những bài văn…bay mất. Trước mắt nhìn, chỉ thấy nụ cười ai.
Nè nhóc…Quên chưa những ngày hè, không cớ gì nên chẳng gặp được nhau. Thư viết vội… mỗi ngày đôi ba bức. Thư đi rồi, mắt vẫn còn lệ vương.
Nè nhóc…Quên chưa những dòng tin ai nhắn. Một cái cười, một câu nhắc “ngủ đi”. Chỉ chừng ấy, đem theo vào giấc ngủ. Mắt nhắm nghiền, miệng nụ cười không tan.
Nè nhóc…quên đi!
Nè nhóc…Quên đi một mối tình say hơn bão. Cho tim này dừng lại những cơn đau. Cho đôi mắt thôi những ngày trông ngóng. Cho thân này đừng tìm đến hư không.
Nè nhóc…Quên đi một con đường xa ngái. Ngồi bên người trong những sớm tinh sương. Giọt cà phê rớt xuống đời quạnh quẽ. Cho ta về bên những phố cô đơn.
Nè nhóc…Quên đi những chiều hôm trên biển. Hai tâm hồn, chung một nỗi cô đơn. Ly rượu uống bên bờ vang sóng vỗ. Ngỡ đâu đời còn mãi những hôm nay.
Nè nhóc…Quên đi những lời ca năm cũ. Bởi thần tiên đã gãy cánh…xuống trần. Bởi ngày về xa lắc lê thê. Bởi chỉ còn dăm phút vui trần thế.
Nè nhóc…Quên đi những hẹn hò còn dang dở. Sáng lên đồi ngắm những cánh hoa xuân. Chiều xuống biển nhìn mặt trời khuất dáng. Riêng ta ngồi trong những giấc mơ xa.
Nè nhóc…Quên đi chuyện mười, mươi năm nữa.



Thứ Năm, 21 tháng 5, 2009

Tui đang làm gì?

Nếu bây giờ mà khai sơ yếu lý lịch, ở cái mục "nghề nghiệp hiện nay" hay "chuyên môn nghiệp vụ" gì đó, tui hổng biết phải khai tui đang mần nghề gì.
Chỉ biết là...
Tui sắp giàu!
Tui sắp giàu vì bây giờ tui lãnh lương mỗi tháng chỉ để làm mỗi một chuyện là...đi họp. Lịch họp của tui kín và sít sao như lịch chạy sô của Mr.Đàm hồi thời chưa si thói kinh tế tàn cầu á, may mờ mấy chỗ họp loanh quanh gần nhau, chứ không chắc tui bể sô. Mắc cái tội, tui là ngừ quan trọng , giấy mời hỏng ghi tên thì cũng ghi chức của tui, hỏng cho họp thế. Tui đi họp chiên nghiệp tới mức chỉ cần nhìn cái phong bì coi từ đâu gởi tới rồi nhìn coi bây giờ là tháng mấy là biết mời họp chuyện chi rồi. Quanh năm suốt tháng, đến hẹn lại họp mừ. Riết rồi, mỗi lần thấy tui xách sổ, vác cái nón bảo hiểm bước ra là mấy đứa cơ quan hỏi “Đi họp hả chị?”. Tuần nào mà hỏng có ai mời họp gì, mấy đứa văn phòng chạy qua trợn tròn mắt, thảng thốt hỏi chị ơi sao tuần này hỏng có lịch họp. Có bữa nó còn hỏi chị ơi, hỏng có họp, tuần này chị làm gì. Hic! Đúng là không có ai mời họp, tự nhiên ngơ ngác hỏng biết mình mần gì. Đành biểu tụi nó, thôi, lên lịch họp cơ quan, họp công đoàn hay bộ phận nào hổm nay hỏng họp vì chị bận họp chỗ khác thì giờ họp.
Hồi đầu, tui sắm mấy cuốn sổ đặng ghi chép theo "chiên đề" cho chắc. Nhưng riết, có khi mỗi buổi phải họp 2-3 cuộc, xách sổ theo hổng nổi, đành sắm 1 cuốn ghi là SỔ HỌP, hễ đi họp thì xách nó theo, bất kể họp cái gì. Đi họp có nghĩa là phải ngồi cả buổi trong phòng họp, hổng có thời giờ nên sáng khỏi cà phê cà pháo, chiều khỏi chè cháo nghêu ốc gì được với mấy đứa cơ quan. Thế nên tiết kiệm được một khoản cũng khá (bị tui mà ở cơ quan, mỗi buổi mần sạch 3 ly cà phê). Có bữa công chiện nhiều quá, đi họp dìa phải ở lại mần tiếp, nhịn luôn bữa trưa, má biểu đỡ tốn ghê. Chưa kể những cuộc họp có phong bì, đã tiết kiệm mà lại còn được tăng thu nhập. Hic! Hoan hô chuyện họp!
Nhờ họp mà tui lên level nhanh thấy ớn.
Ngồi họp chán quá, tui luyện công phu “THƯ TẠI MỤC NGOẠI” – tức là nhắn tin đi mà hổng dòm bàn phím. Bị con mắt còn phải dòm chủ tọ hay dòm văn bản chứ không người ta wánh giá là mình hổng nghiêm túc, hổng tập trung. Mà nhắn tin thông thường thì sao có thể chống chọi với cơn buồn ngủ, cho nên phải nhắn tin chọc ghẹo ai đó. Chọc người ta thì phải cười, mà cười thì bị để ý, cho nên tui phải luyện thêm món công phu “ĐẠI TIẾU VÔ THANH”, tức là cười haha sảng khoái mà hổng thành tiếng. Bữa nào mà gặp cao thủ chat thì mới phát cười thành tiếng.
Sau mấy tháng đi họp luyện xong 2 món công phu đó, tui bắt sang tiệt chiêu khác, kiu bằng “Ý TẠI NGÔN NGOẠI”, tức là miệng nói chiện này mà đầu si nghĩ chiện khác. Phát biểu vừa dứt là tui ngồi xuống, viết ào ào mấy cái công văn hay kế hoạch, họp xong đem dìa cho mấy đứa văn phòng gõ vô máy. Hic! Luyện được kung-phu mà hổng bị cấp trên phê bình vì vắng họp.
Nhờ họp mà blog tui có blast và entry mới wài. Hễ khi nào tui đi họp nhiều tới mức nhắn tin chọc ghẹo wài sợ người ta biểu mình quởn (dzí lại nhắn wài tốn tiền) hay hỏng còn biết viết công văn gì, thì tui bắt đầu si nghĩ blờ-lát, rồi nghĩ in-chai cho cái bờ-lốc. Mà có khi nhờ mấy ý kiến phát biểu của mấy người đi họp mà tui nảy ra bờ-lát hay ý tưởng mới cho in-chai. Chỉ thiếu điều tui chưa viết được chiện ngắn hay tạp bút gì đó đặng gửi báo kiếm thêm tiền. Bị muốn viết cái đó thì phải tập trung mơ màng, lan man, lãng mạn một chút...mấy vụ này, dễ bị phát hiện, mắc công bị phê bình.
Nhờ họp mà tui thành người quan sát điểm 10. Bị sau khi nghĩ luôn blast và entry mà vẫn họp chưa xong, tui đành ngồi ngắm mấy con thằn lằn trên tường, đếm coi phòng này có bao nhiêu ghế bao nhiêu bàn, dòm coi ly uống trà có cái nào mẻ hông...Riết, nhắm mắt tui cũng thấy rõ ràng từng cái phòng họp. Bước vô phòng có cái gì lạ là tui biết liền. Tui thuộc mấy cái phòng họp còn hơn thuộc đồ nhà tui, bị ngồi trong đó nhiều hơn ở nhà mừ!
Chỉ biết là, nhờ họp mà bi giờ ai mở cuộc thi ngồi lâu hay uống nước trà nhiều, tui có khả năng tranh chấp mười hạng đầu chứ hổng chơi.
Giờ mới nhớ ra, bữa giờ biểu mấy đứa đặt lịch họp bàn cái vụ giảm họp mà chưa thấy lịch.
Mà tại tui bận họp nhiều quá, thành ra cuộc đó chưa họp được.
Hic! Mai mở cuộc họp kiểm điểm mấy đứa văn phòng trước. Rồi họp cái vụ giảm họp sau.

Thứ Tư, 20 tháng 5, 2009

Một cảm xúc

Đã nhiều ngày, mà thấy vẫn mới tinh như lần đầu.
Đã nhiều ngày, mà vẫn nghĩ đến nó mỗi tối trước khi đi ngủ.
Đã nhiều ngày, mà mỗi sớm mai thức dậy, vẫn hồ hởi chờ đến giây phút ấy.
Đã nhiều ngày, mà tim vẫn cứ như ngừng đập trong khoảnh khắc đó.
Đã nhiều ngày, mà lòng mình vẫn trào lên một cảm giác lâng lâng khó tả.
Đã nhiều ngày, nhưng ngày nào mình cũng vẫn cứ chậm, thật chậm, kéo dài thời gian tận hưởng cảm giác đó.
Nó như cảm giác của người ngồi ngắm những bông hoa mới nở sau nhiều ngày chăm bón.
Nó như cảm giác của người vừa được ban tặng một món quà quý giá không gì bằng trên đời.
Nó là cảm giác của người tìm được một chỗ dựa vững chắc để đối mặt với tất cả mọi chuyện trên đời này.
Nó là cảm giác hạnh phúc và thanh thản đến lạ kỳ.
Đó là cảm giác của buổi sáng, khi con trai vịn vai mẹ bước lên xe, hai tay ôm lấy mẹ với ba lô trên lưng nói "đi mẹ ơi".
Từ ngày Beo đi học, sáng nào mẹ cũng đưa con đến trường. Ngày con còn bé, mẹ đặt cái ghế bằng mây ở phía trước cho con ngồi, lấy một cái gối đặt lên tay lái để nhỡ có thắng gấp thì con cũng không bị làm sao. Lớn một tí, con vẫn ngồi phía trước nhưng không cần có cái ghế mây nữa.
Gần tháng nay, con không chịu ngồi trước nữa mà ngồi phía sau như người lớn. Con đã có thể đặt chân đường hoàng và chắc chắn lên cái thanh gác chân. Con đã lớn thật rồi! Lần đầu tiên khi con ngồi sau lưng, quàng tay ôm và dựa vào lưng mẹ, mẹ đã lặng người vì cảm xúc trào đến, không thể kìm được nước mắt mình chảy. Mẹ không thể kìm được cảm giác tự hào khi chạy xe trên đường với con ngồi phía sau, cứ như chỉ có mình mẹ mới nuôi được con lớn lên như thế.  
Con trai của mẹ ơi!

Thứ Hai, 4 tháng 5, 2009

Chuyện ở bệnh viện

Khuya hôm qua, Beo bị sốt mà lại lạnh run lập cập, hai hàm răng cứ đánh vào nhau. Mẹ hoảng quá chẳng biết làm sao nên đưa Beo đi bệnh viện Nhi đồng. Thường ngày, hàng xóm có con cháu bị ốm hay sao đó, toàn chỉ cho họ cách xử trí (đọc được trên báo ) rất rành rẽ. Thế mà đêm qua lại chẳng còn nhớ một cái gì trong đầu, chỉ nghĩ đến việc đi bệnh viện. Luýnh quýnh láng quáng, toàn làm trật khoa học. Beo kêu lạnh quá mẹ ơi nên mang vớ cho Beo, mặc thêm cái áo gió, quấn thêm cái mền rồi ôm chặt hắn lại mà quên mất là cu cậu đang sốt. Vào bệnh viện, vừa kêu "Bác sĩ ơi, cháu vừa sốt vừa lạnh" thì bị bác sĩ trực cho ngay một trận quát vì cái tội con sốt mà còn trùm đủ thứ lên người nó
Đang mùa trở trời, thời tiết không thuận nên dù là nửa đêm mà  khu khám bệnh vẫn đông không thua ban ngày. Người ra người vào, trẻ con kêu khóc, bác sĩ quát vì người nhà sốt ruột con cháu cứ sấn vào kêu bác sĩ ơi bác sĩ hỡi, tiếng loa kêu tên bệnh nhân...đủ loại. Gần hai tiếng đồng hồ trong cái phòng lọc bệnh cấp cứu có chục cái giường, thấy nhiều chuyện cả hài lẫn bi.
Cậu nhóc nọ, độ chừng ba tuổi, sốt hơn 40 độ, nằm trên cái băng ca khóc ư ử vì khó chịu trong người. Ba chú thì tất tả chạy mua miếng dán hạ sốt, mẹ chú thì lột hết quần áo chú ra lau mát, bà ngoại thì dỗ dành cậu uống nước cho mau hạ sốt. Nhìn thấy cảnh đó mà xót. Độ nửa giờ sau, đã thấy cậu nhảy nhót trên cái băng ca, cười nắc nẻ rồi hát líu lo trong bộ dạng trên không răng mà dưới...không quần. 
Bên cạnh giường Beo nằm có 3 mẹ con, không biết chính xác từ đâu đến nhưng chắc chắn là xa bệnh viện và nhà neo người. Cậu em chắc là nhỏ tuổi hơn Beo, nằm ngủ mê mải trên giường, bất chấp mọi thứ ồn ĩ xung quanh. Cậu anh cũng bị sốt và lạnh như Beo. Bác sĩ khám xong cho uống 1 lần thuốc rồi bảo sáng mai tái khám. Bà mẹ nói ngay với bác sĩ cho 3 mẹ con ở lại ngủ trên cái giường ấy để sáng khám sớm rồi đón xe buýt về luôn. Chắc là từ khi vào, chị đã nghĩ đến chuyện ấy nên mới mở lời nhanh như thế. Nghe nói rằng lúc chiều tối, vì hết xe buýt nên 3 mẹ con tốn hết gần trăm ngàn đi xe ôm, giờ mà về thì còn đắt hơn. Nhìn cảnh 2 anh em ôm nhau ngủ trên cái giường bé tí, bà mẹ ngồi gà gật ở một mép giường lại nghĩ đến vừa nãy mình đưa Beo đi. Ba thì gọi taxi hối nhanh nhanh chị ơi, con tôi cần đi bệnh viện gấp. Ngoại thì quáng quàng gom nào khăn nào chai nước cho vào cái túi. Mình thì chỉ biết ôm Beo lẩm bẩm "Không sao đâu con! Không sao đâu con!". Ngồi trên taxi mà thấy đường sao xa lắc, dù khi đến nơi, đồng hồ tính tiền dừng ở con số 15 nghìn. Chẳng kịp lấy lại tiền thừa, mình và ba Beo cứ thế chạy xộc vào phòng cấp cứu.  Còn người mẹ đó, con đau mà vẫn phải tính toán chuyện tiền nong, thằng anh đau mà phải dắt cả đứa em vào bệnh viện ngủ lại qua đêm. Nhìn mẹ con họ, biết rằng mình hạnh phúc hơn rất nhiều!
Vì đang mùa bệnh của trẻ con nên bệnh viên rất đông, chỉ trường hợp thật cần thì bác sĩ mới cho nhập viện. Khi nghe bác sĩ bảo cho cháu nhập viện ngay để theo dõi, bà mẹ hoảng hốt một lúc rồi hỏi bác sĩ không nhập viện thì có được không. Bác sĩ bảo nếu không muốn thì ký vào giấy xác nhận là người nhà không cho nhập viện. Bà mẹ ngần ngừ hỏi nếu không nhập viện thì có nguy hiểm không. Bác sĩ bảo giường nào cũng 2 bệnh, không cần thì tôi bảo nhập làm gì. Bà mẹ cầm giấy làm thủ tục nhập viện cho con mà mắt đỏ hoe. "Con nằm viện mấy ngày, chắc mẹ bị mất việc làm!". Nghe câu đó mà nước mắt mình trào ra. Nhìn bà mẹ ấy, thấy mình vẫn còn rất may mắn và hạnh phúc! Nếu phải ở trong cả 2 nỗi lo con bệnh và mất việc làm trong cái thời khó khăn này, không biết mình có đủ tỉnh táo như chị ấy!
Tối nay nhớ lại cảnh đêm qua đưa Beo đi bệnh viện vẫn còn thấy run. Nhưng sau đêm qua, mới cảm nhận được chính xác và đầy đủ sự may mắn, hạnh phúc của mình so với nhiều người mẹ khác.


Thứ Bảy, 2 tháng 5, 2009

Nhìn lại mình...

Lặng lẽ nhìn và phản ứng sau khi đã nghĩ ngợi. Đó là sự trưởng thành hay sự thay đổi? Mình không dám chắc là điều nào. Không dám chắc đó là được hay mất. Là bài học rút ra để mình kiên định hơn hay là sự bồi đắp thêm vào, để một lúc nào đó mình trở thành dửng dưng bởi cái kiểu nghĩ "những chuyện như thế đã gặp nhiều rồi" hay "chuyện bình thường, rồi sẽ qua hết thôi"?. Là được thêm cho mình hay là đánh mất chính mình? Mình cũng không dám chắc.
Thấy mừng vì mình vẫn còn có thể yêu thương và yêu thương theo cái cách của mình. “Tôi là một màng thấm. Nếu tôi yêu anh, anh có thể có tất cả. Anh có thể có thời gian của tôi, sự tận tụy của tôi, …tất cả mọi thứ…Tôi sẽ cho anh tất cả những thứ này và còn nhiều nữa, cho đến khi tôi trở nên kiệt sức và suy yếu...” (“Ăn, cầu nguyện, yêu” - Elizabeth Gilbert)
Là được hay không, mình cũng không thể đoan chắc. Điều mình đoan chắc là mình không thể dừng được. Mình vẫn cứ đi vào những vùng đã tự nhủ hàng trăm nghìn lần là không được đến nữa. Vẫn để mình lang thang vào những vùng không có thật.
Dường như mình vẫn thiếu quá nhiều điều. Có những điều, do không thể gọi tên cho đúng nên mình mãi vẫn không làm cho mình thấy đủ. Có những điều biết chắc nó là cái gì thì cũng lại biết chắc là mình không thể thêm vào người mình. Thế là được hay không được, là ổn hay không ổn? Mình không dám chắc.
Lâu lâu nhìn lại mình, thấy rối...

Thứ Tư, 22 tháng 4, 2009

Chuyện... đủ thứ chuyện

Beo đi học mẫu giáo, cuối tháng về khoe là con được 4 phiếu bé ngoan. Hỏi sao con biết (vì cô giáo vẫn chưa phát sổ), Beo nói con thấy cô dán phiếu vào sổ của con. Lại hỏi sao con biết đó là sổ của con, Beo nói bạn Minh Hoàng biết chữ, đọc tên con trên cuốn sổ nên con biết. Cả lớp lá hơn 50 đứa, chỉ có mỗi mình Beo chưa biết chữ. Chiều về nhà bà nội, xem phim hoạt hình với thằng anh con bác bằng tuổi, Beo toàn phải nghếch cổ nghe anh đọc chữ thì mới biết phim gì. Cả nhà nội rối rít sốt ruột vì 2 anh em bằng tuổi mà Beo chưa học chữ, chỉ mới biết mặt số. Mình cãi nhau mấy bận vì cái chuyện này. Hic hic.
Hết hè này Beo sẽ vào lớp 1. Ai cũng hỏi cho Beo học trường nào, có xin cho Beo vào trường điểm không. Mình ngẩn người ra vì chưa hề nghĩ tới. Hồi mình đi học, có trường điểm gì đâu, cứ cái trường gần nhà mà đi học, lội bộ đến trường suốt thời tiểu học. Hết cấp 1 cứ đúng tuyến mà vào cấp 2, rồi cứ thế mà vào cấp 3. Ngoại cũng chưa từng phải nghĩ chuyện xin trường xin lớp gì cả. Mà mình vẫn cứ học hành đàng hoàng, có sao đâu.
Sắp có một cuộc thi, trong đó có phần thi kiến thức tổng quát về lịch sử, văn hóa, xã hội, kinh tế…Và không có tài liệu ôn thi. Bạn hỏi tôi tìm tài liệu nào để học. Cái này thì chịu, chẳng thể giúp gì. Bởi những kiến thức đó phải tích lũy bằng cả một quá trình. Mà nội dung mênh mông như thế, làm gì có sách nào ghi cho hết để mà học. Mà có học, cũng chẳng thể hết được quyển sách đó. Hic hic!
Hôm nào đó gần đây, báo (hình như Tuổi Trẻ) có đưa tít là một quan chức nào đó bảo rằng cán bộ bây giờ ít chịu học tập nâng cao trình độ và kiến thức. Đúng là có nhiều người chẳng chịu học thêm nữa khi đã có bằng cấp đúng chuẩn. Nhưng nếu dùng bằng cấp để đánh giá xem cán bộ có học tập nâng cao trình độ không thì e rằng hơi bị khó. Bởi có những kiến thức chẳng có trường nào dạy và cấp bằng. Bởi có những người đi học những điều mà họ thích dù cơ quan không yêu cầu. Bởi có những người có đi học, có bằng mà chẳng có cái gì trong đầu.

Thứ Ba, 17 tháng 3, 2009

Viết cho 17/3

Hắn cáu gt bn thân hn vì c thích tìm người. Vì hn thy lo lng khi nhn tin hay gi mà không thy người tr li. Vì hn thy đau khi người m. Vì hàng trăm th khác na có liên quan đến người. Cáu vì lòng hn vương vương mt điu chi không rõ...
Hn s cm giác mong ch mt ai đó. Hn s cm giác lo lng cho mt ai đó. Hn s cm giác mt mát mt ln na. Vì hn đã sng nhng ngày rt kh s khi mt người mình yêu thương, nhng điu mình yêu quý. Mà hn nhn ra rng hn yêu thương người biết chng nào. Yêu thương bng tng ngày mà hn sng, như đã yêu thương t trong quãng đi trước đây-quãng đi mà hn còn chưa biết người. Gp người đ yêu thương thêm lên tng ngày? Và cùng vi nó là cm giác s mt mát! Không gp người đ không thêm yêu thương người? Và cùng vi nó là cm giác tht s mt mát!
Hắn ghét dù không biết ghét ai. Vì hắn không hiu được sao ai đó li có th đ người phải lo toan nhiều đến như thế. Vì hn không hiu được sao có ai đó li không th thy rng người lẽ ra phải nhn được nhng điu tt đp hơn tt c nhng điu tt đp mà người ta có th hình dung ra. Hn ghét vì ai đó đã không biết yêu quý người trong khi hn không đ thi gian đ làm điu đó.
Hắn rất cáu. Nhưng hắn biết nếu lúc nào đó hắn không cáu nữa, hắn sẽ khổ sở lắm.
Hắn rất sợ. Nhưng hắn biết nếu lúc nào đó hắn không sợ nữa, thì có lẽ hắn cần phải thay tim.
Hắn rất ghét. Nhưng nếu hắn không ghét nữa, thì hắn không còn là hắn nữa.
Thế nên hắn đành phải cáu, đành phải sợ và đành phải ghét như thế vậy.
Vì hắn thấy thanh thản và hạnh phúc khi hắn như thế.

Thứ Sáu, 13 tháng 2, 2009

Biết nói gì trong ngày này!

Bà là người rất nghiêm khắc và nguyên tắc.
5 tuổi, bà bắt hắn học xếp quần áo của cả nhà. 8 tuổi, bà bắt hắn nhóm bếp củi để nấu cơm. 10 tuổi, hắn biết đi chợ và nấu bữa cơm cho cả nhà với đủ các món cơ bản. 12 tuổi, hắn một mình làm cô chủ nhỏ của cái quán café trong những buổi không đi học, dù xung quanh biết bao trò hấp dẫn với lũ bạn hàng xóm. Nếu muốn có tiền cho những khoản bạn bè, hắn phải nhận hàng làm gia công vì biết chắc rằng bà sẽ không bao giờ cho thêm với những khoản đề xuất đó.
Năm thứ hai đại học, khi hắn nhận khoản học bổng đầu tiên của mình, bà ngay lập tức “ngưng viện trợ” theo cam kết trước đó. Tương tự, khi hắn được nhận vào làm cộng tác viên của một cơ quan, bà cắt luôn khoản học phí. Tốt nghiệp đại học, hắn phải vừa đi làm vừa nhận thêm 2 cua dạy kèm để trả dần món tiền bà cho hắn mượn để mua xe và nộp tiền cơm cho bà hàng tháng. Hic!
Nhưng bà cũng là người rất dễ.
14 tuổi, bà cho hắn đi cắm trại tận Củ Chi bằng xe đạp với các anh chị ở phường. Xong kỳ thi đại học, khi còn chưa biết kết quả, bà cho hắn rong ruổi hơn nửa tháng từ Sài Gòn ra Huế-Đà Nẵng cũng bằng xe đạp, với Hội Du khảo Trẻ Thành phố, mặc cho cả họ hàng phản đối. Hai mùa hè liên tiếp, hắn xin đi chiến dịch Ánh sáng Văn hóa hè, bà cũng gật đầu ủng hộ. Những việc hắn làm trong đời mình, chưa có việc nào do bà quyết định hay bắt hắn làm theo ý bà.
Vào đại học, hắn dẫn về nhà hàng lũ bạn. Có đứa ăn uống và ở lại nhà như thành viên trong gia đình, có đứa bà cho mượn tiền đóng học phí. Đại thể là cứ có đứa bạn nào khó khăn thì hắn lại đưa về nhà để bà tính giúp. Và hình như chưa có đứa nào mà bà từ chối.
Bà cũng là người rất "điên" trong mắt nhiều người.
Những năm còn bao cấp, khi giải thể cơ quan để sát nhập về chỗ mới, trong khi những người khác chở tủ, bàn ghế…thì bà lẳng lặng chở về nhà cả trăm cuốn sách, chất đầy 2 cái tủ lớn. Thế là những ngày hè, hắn bị “Cuốn theo chiều gió”, mải mê theo “Jên Erơ”, “Bố già”, “Hãy để ngày ấy lụi tàn”, rồi “Chuông nguyện hồn ai”…
Mặc cho kinh tế gia đình có khó khăn thế nào, sau khoản cơm gạo, có 2 khoản chi tiêu mà bà không bao giờ cắt là sách và báo. Cho nên, bà và cả hắn nữa, có một thói quen "rất khó chịu" là ngày nào không đọc báo thì không chịu được. Những ngày nghỉ, dù có mưa gió thế nào, hắn cũng phải lọ mọ đi mua báo. Tháng nào bà cũng dắt hắn đi nhà sách, rước về lô lốc rồi đọc ngấu nghiến. Những ngày lễ Tết, bà chẳng sắm sửa bánh mứt, quần áo mà dành tiền mua gần chục loại báo xuân và mua vé đưa hắn đi xem kịch ở sân khấu 5B, Idecaf.
Cứ như thế, năm này sang năm khác. Cùng với cái màu trắng ngày càng nhiều trên tóc bà, hắn lớn lên và trở thành người như bây giờ.
Hôm nay sinh nhật bà. Hắn không viết được cái gì nghe cho tình cảm. Vì viết như thế chẳng hợp chút nào với cái kiểu giữa bà với hắn. Hắn làm gì mà bà vui, đêm bà đi ngủ rất sớm và thẳng giấc tới sáng. Bà chẳng bao giờ la mắng những khi hắn làm sai, nhưng hắn biết bà không hài lòng bởi mấy tiếng thở dài trong đêm.
Hôm nay sinh nhật bà. Hắn chỉ biết nói: “Cảm ơn mẹ!”.

Thứ Tư, 21 tháng 1, 2009

Nhớ Cố!

Hôm nay, 26 tháng chạp. Thế là đã một năm. Thời gian trôi nhanh không ngờ.
Bà ngoại mất sớm vì bệnh ung thư, khi đó mẹ mới 3 tuổi, còn dì lớn 5 tuổi, dì Út 1 tuổi. Không ai trong ba chị em mẹ nhớ được mặt ngoại. Chỉ nhìn tấm ảnh trên bàn thờ.
Cố là mẹ của ngoại, mang ba chị em mẹ về nuôi. Cố sợ lỡ có bề gì thì các cháu không ai lo, nên năm nào cũng khấn xin trời cho sống đến khi các cháu lấy chồng. Khi mẹ và các dì có gia đình riêng, Cố lại khấn xin được sống tới lúc các cháu cố trưởng thành. Cứ như thế, cho đến khi Cố ra đi, thì cháu sơ của Cố là thằng Beo đã được 5 tuổi.
Chiều qua, bà Sáu nhất định theo cha con Beo đi qua chùa để thắp nhang cho Cố. Nhà định hôm nay mới cúng, nhưng khi qua chùa, các sư cô bảo cúng tiên thường nên cha con Beo chẳng có gì trong tay. Sáu nói chiều chiều Cố hay ăn bánh mì thịt. Thế là ba người chạy mua bánh mì thịt về để cúng theo lời dặn của các sư cô.
Trưa nay cúng giỗ Cố. Sáu ôm trong tay một túi to, nói là mua cho ngoại mớ đồ, đốt xuống dưới cho ngoại có mà xài, Tết nhất tới nơi. Trong đó, Sáu mua cho Cố bộ quần áo bà ba, đôi dép, cái khăn và gửi thêm xấp tiền. Khi hóa vàng, mắt Sáu rơm rớm, lẩm bẩm gì đó.
Thế là thêm một cái tết nữa không có Cố. Tấm ảnh gia đình, giờ không còn Cố ngồi giữa bầy con cháu.
Nhớ Cố, Cố ơi!