Thành phố Hồ Chí Minh có lợi
thế trong việc phát triển du lịch đường thủy. Với 2 sông chính là
Sài Gòn và Đồng Nai chảy qua cùng với hệ thống sông nhỏ, kênh rạch tạo
ra chiều dài trên 970km có thể sử dụng làm giao thông đường thủy. Ở
vùng ngoại thành, hệ thống sông ngòi tạo ra các vùng đất ngập nước
trù phú, rừng ngập mặn với hệ sinh thái đa dạng;
các làng mạc có truyền thống lâu đời làm nghề nông, tiểu thủ công,
chăn nuôi, đánh bắt thủy sản, trồng rừng... Đồng thời, thành phố Hồ Chí Minh lại giàu tài
nguyên nhân văn, truyền thống, di tích lịch sử ven sông, rạch gắn với
các sự kiện lịch sử lớn của dân tộc.
Thành phố Hồ Chí Minh hiện có 16 tuyến
đường thủy nội địa quốc gia với tổng chiều dài 252km, có 07 tuyến hàng hải với
tổng chiều dài 146.8km, 87 tuyến đường thủy nội địa địa phương với tổng chiều dài 574,1km. Quy hoạch giao thông đường
thủy Thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2010 - 2020 chia giao thông đường
thủy Thành phố Hồ Chí Minh thành 5 luồng tuyến: Tuyến nội đô (Từ
Bến Bạch Đằng đi các hướng trong nội thành), tuyến phía tây: Bạch
đằng - Củ Chi; tuyến phía bắc: Bạch Đằng - Hội Sơn (Quận 9); Tuyến
phía đông: Bạch Đằng - Cần Giờ và tuyến
phía nam: Bạch Đằng - Cảng Phú Định.
Với
những đặc điểm tự nhiên đó về giao thông thủy, du lịch Thành phố Hồ Chí Minh có
thể khai thác được các chương trình du lịch đường thủy khá đa dạng cho du khách
trong và ngoài nước. Chương trình du
lịch đường thủy tầm ngắn: là các tour trên sông tuyến nội đô có
bán kính từ trong khoảng 10 - 15 km. Các chương trình này bao gồm: Bạch
đằng - Bình Quới, Thanh Đa; Bạch đằng – Làng Nghệ nhân Hàm Long; tour
Bạch đằng - tham quan trên rạch Bến Nghé - Tàu Hũ và Bạch Đằng -
Nhiêu Lộc. Chương trình du lịch đường
thủy tầm trung: là các chương trình du lịch trên sông có độ dài
bán kính từ 30 - 70 km trong phạm vi thành phố hoặc tới một số vùng
giáp ranh Thành phố như Bình Dương, Đồng Nai và Long An. Một số điểm
tham quan du lịch có vị trí thuận lợi cho việc tiếp cận cả đường bộ
lẫn đường thủy như: Địa đạo bến Đình, bến Dược tại - Củ Chi, Chùa
Hội Sơn và Chùa Bửu Long, Công viên Văn hóa Lịch Sử các dân tộc tại
Quận 9, Bảo tang Áo dài …
Tuy
nhiên, hiện nay, du lịch đường thủy của Thành phố Hồ Chí Minh vẫn chưa phát triển
xứng với tiềm năng và khả năng khai thác. Nhìn chung, các điểm đến và các dịch
vụ, sản phẩm du lịch ven sông cho mục đích tham quan và giải trí ít
về số lượng, yếu về chất lượng, nằm xa trung tâm nên việc tổ chức
các chương trình du lịch ven sông vừa kéo dài thời gian di chuyển, vừa
kém hiệu quả kinh tế và khó làm hài lòng khách du lịch. Đặc biệt,
tại huyện Củ Chi và Cần Giờ, nơi có mô hình hấp dẫn khách du lịch: cộng
đồng dân cư có truyền thống văn hóa lâu đời, hệ sinh thái đa dạng vẫn chưa được
doanh nghiệp quan tâm khai thác. Kiến thức, kỹ năng và “ý chí” phát triển kinh
tế du lịch của người dân ở các vùng ngoại thành chưa được chính quyền địa
phương chú trọng giáo dục cũng là một trong những rào cản cho sự phát triển các
sản phẩm du lịch gắn với phát triển du lịch đường thủy. Bên cạnh đó, tình
trạng xả rác xuống sông hồ kênh rạch, ô nhiễm môi trường nước, không
khí và hệ thống chiếu sáng ban đêm chưa phát triển, cơ sở hạ tầng
phục vụ các chương trình du lịch đường thủy chưa đa dạng, giá bán sản phẩm
khá cao so với thu nhập trung bình
của người dân.
Tuy
nhiên, du lịch đường thủy Thành phố Hồ Chí
Minh vẫn có tiềm năng phát triển rất lớn vì các lợi thế: là đầu mối trung
chuyển du lịch (Khách du lịch quốc tế
chiếm 55% và khoảng 40% khách du lịch nội địa của cả nước), các
doanh nghiệp du lịch của Thành phố là những doanh nghiệp lớn, đứng
đầu về thị phần du lịch, có bề dày kinh nghiệm, có những thương
hiệu mạnh được nhiều người biết đến, nhiều dự án bất động sản du
lịch đường thủy quan trọng đã được phê duyệt và đang được triển khai
xây dựng nằm ở các vị trí thuận lợi nhất của Thành phố, nguồn nhân
lực của Thành phố có trình độ, tay nghề, kinh nghiệm hàng đầu trong
nước, nhiều dự án bất động sản du lịch đường thủy quan trọng đã
được phê duyệt và đang được triển khai xây dựng nằm ở các vị trí
thuận lợi nhất của Thành phố.
Du lịch xanh, du lịch sinh thái,
du lịch có trách nhiệm, bền vững, thân thiện với môi
trường là một
trong những xu hướng du lịch hiện đại và tất yếu của thế giới. Vì vậy, Ủy ban
Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã có chủ trương phát triển du lịch đường thủy,
đặc biệt là đường thủy nội đô từ này đến năm 2020. Đây là một chủ trương đúng đắn
và kịp thời không chỉ đối với việc phát triển sản phẩm du lịch của thành phố Hồ
Chí Minh mà còn có ý nghĩ quan trọng đối
với việc phát triển kinh tế-văn hóa-xã hội và thay đổi bộ mặt đô thị của Thành
phố. Phát triển du lịch đường thủy nội đô giúp Thành phố tận
dụng lợi thế so sánh, thế mạnh về sông nước và khai thông sức sáng
tạo, tính năng động trong phát triển kinh tế của người dân và doanh nghiệp;
tạo ra việc làm gắn với đời sống của người dân tạicác huyện ngoại thành và nhất
là giữ được bản sắc văn hóa, nếp sống của cư dân địa phương. Phát triển du
lịch đường thủy theo hướng đảm bảo cân bằng giữa khai thác và giữ
gìn các tài nguyên du lịch ven sông, trật tự - an toàn sẽ góp phần
thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững, giúp thực hiện các mục
tiêu kinh tế xã hội văn hóa của Đảng và Nhà nước.
GIA KHANG
Bài đăng Tạp chí Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh, số 115-2015
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét