Thứ Tư, 13 tháng 5, 2015

Cơm sôi ban chiều


Chiều trở về nhà, thích nhất là nghe mùi cơm sôi. Hương cơm thơm lan tới mọi ngóc nhách trong nhà, lan tới cái bụng sôi óc ách vì đói của mình. Lan vào trong đầu, gợi ra hình ảnh cánh đồng lúa xanh, chái bếp ấm lửa một chiều mưa miền quê xa lắc trong kỷ niệm.
Hương cơm sôi tạo ra bầu khí quyển bình yên cho từng gia đình. Nó mềm mại, dịu dàng, len lỏi, uốn quanh chân mình như một dải lụa rồi cột chặt từng thành viên gia đình lại với nhau, vô hình mà vững chắc.
Mở nắp, úp mặt mình vào hít lấy hít để mùi thơm tỏa ra, nghe từng giọt thơm đọng lại trên mặt mình khoan khoái.
Cơm sôi ban chiều. Nhớ ngày còn nhỏ, bắc nồi cơm rồi ngồi chờ mẹ đi làm về. Trời vần vũ gió mưa, nhà tối vì cúp điện. Cứ ngồi bên cái bếp hít hà hương cơm sôi.

Thứ Ba, 12 tháng 5, 2015

Du lịch đường thủy Thành phố Hồ Chí Minh: cơ hội và thách thức

Thành phố Hồ Chí Minh có lợi thế trong việc phát triển du lịch đường thủy. Với 2 sông chính là Sài Gòn và Đồng Nai chảy qua cùng với hệ thống sông nhỏ, kênh rạch tạo ra chiều dài trên 970km có thể sử dụng làm giao thông đường thủy. Ở vùng ngoại thành, hệ thống sông ngòi tạo ra các vùng đất ngập nước trù phú, rừng ngập mặn với hệ sinh thái đa dạng; các làng mạc có truyền thống lâu đời làm nghề nông, tiểu thủ công, chăn nuôi, đánh bắt thủy sản, trồng rừng... Đồng thời, thành phố Hồ Chí Minh lại giàu tài nguyên nhân văn, truyền thống, di tích lịch sử ven sông, rạch gắn với các sự kiện lịch sử lớn của dân tộc.
Thành phố Hồ Chí Minh hiện có 16 tuyến đường thủy nội địa quốc gia với tổng chiều dài 252km, có 07 tuyến hàng hải với tổng chiều dài 146.8km, 87 tuyến đường thủy nội địa địa phương  với tổng chiều dài 574,1km. Quy hoạch giao thông đường thủy Thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2010 - 2020 chia giao thông đường thủy Thành phố Hồ Chí Minh thành 5 luồng tuyến: Tuyến nội đô (Từ Bến Bạch Đằng đi các hướng trong nội thành), tuyến phía tây: Bạch đằng - Củ Chi; tuyến phía bắc: Bạch Đằng - Hội Sơn (Quận 9); Tuyến phía đông: Bạch Đằng - Cần Giờ và tuyến  phía nam: Bạch Đằng - Cảng Phú Định.
Với những đặc điểm tự nhiên đó về giao thông thủy, du lịch Thành phố Hồ Chí Minh có thể khai thác được các chương trình du lịch đường thủy khá đa dạng cho du khách trong và ngoài nước. Chương trình du lịch đường thủy tầm ngắn: là các tour trên sông tuyến nội đô có bán kính từ trong khoảng 10 - 15 km. Các chương trình này bao gồm: Bạch đằng - Bình Quới, Thanh Đa; Bạch đằng – Làng Nghệ nhân Hàm Long; tour Bạch đằng - tham quan trên rạch Bến Nghé - Tàu Hũ và Bạch Đằng - Nhiêu Lộc. Chương trình du lịch đường thủy tầm trung: là các chương trình du lịch trên sông có độ dài bán kính từ 30 - 70 km trong phạm vi thành phố hoặc tới một số vùng giáp ranh Thành phố như Bình Dương, Đồng Nai và Long An. Một số điểm tham quan du lịch có vị trí thuận lợi cho việc tiếp cận cả đường bộ lẫn đường thủy như: Địa đạo bến Đình, bến Dược tại - Củ Chi, Chùa Hội Sơn và Chùa Bửu Long, Công viên Văn hóa Lịch Sử các dân tộc tại Quận 9, Bảo tang Áo dài …
Tuy nhiên, hiện nay, du lịch đường thủy của Thành phố Hồ Chí Minh vẫn chưa phát triển xứng với tiềm năng và khả năng khai thác. Nhìn chung, các điểm đến và các dịch vụ, sản phẩm du lịch ven sông cho mục đích tham quan và giải trí ít về số lượng, yếu về chất lượng, nằm xa trung tâm nên việc tổ chức các chương trình du lịch ven sông vừa kéo dài thời gian di chuyển, vừa kém hiệu quả kinh tế và khó làm hài lòng khách du lịch. Đặc biệt, tại huyện Củ Chi và Cần Giờ, nơi có mô hình hấp dẫn khách du lịch: cộng đồng dân cư có truyền thống văn hóa lâu đời, hệ sinh thái đa dạng vẫn chưa được doanh nghiệp quan tâm khai thác. Kiến thức, kỹ năng và “ý chí” phát triển kinh tế du lịch của người dân ở các vùng ngoại thành chưa được chính quyền địa phương chú trọng giáo dục cũng là một trong những rào cản cho sự phát triển các sản phẩm du lịch gắn với phát triển du lịch đường thủy. Bên cạnh đó, tình trạng xả rác xuống sông hồ kênh rạch, ô nhiễm môi trường nước, không khí và hệ thống chiếu sáng ban đêm chưa phát triển, cơ sở hạ tầng phục vụ các chương trình du lịch đường thủy chưa đa dạng, giá bán sản phẩm khá cao so với thu nhập  trung bình của người dân.
Tuy nhiên, du lịch đường thủy Thành phố Hồ Chí Minh vẫn có tiềm năng phát triển rất lớn vì các lợi thế: là đầu mối trung chuyển du lịch (Khách du lịch quốc tế  chiếm 55% và khoảng 40% khách du lịch nội địa của cả nước), các doanh nghiệp du lịch của Thành phố là những doanh nghiệp lớn, đứng đầu về thị phần du lịch, có bề dày kinh nghiệm, có những thương hiệu mạnh được nhiều người biết đến, nhiều dự án bất động sản du lịch đường thủy quan trọng đã được phê duyệt và đang được triển khai xây dựng nằm ở các vị trí thuận lợi nhất của Thành phố, nguồn nhân lực của Thành phố có trình độ, tay nghề, kinh nghiệm hàng đầu trong nước, nhiều dự án bất động sản du lịch đường thủy quan trọng đã được phê duyệt và đang được triển khai xây dựng nằm ở các vị trí thuận lợi nhất của Thành phố.
Du lịch xanh, du lịch sinh thái, du lịch có trách nhiệm, bền vững, thân thiện với môi trường là một trong những xu hướng du lịch hiện đại và tất yếu của thế giới. Vì vậy, Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã có chủ trương phát triển du lịch đường thủy, đặc biệt là đường thủy nội đô từ này đến năm 2020. Đây là một chủ trương đúng đắn và kịp thời không chỉ đối với việc phát triển sản phẩm du lịch của thành phố Hồ Chí Minh mà còn có ý  nghĩ quan trọng đối với việc phát triển kinh tế-văn hóa-xã hội và thay đổi bộ mặt đô thị của Thành phố. Phát triển du lịch đường thủy nội đô giúp Thành phố tận dụng lợi thế so sánh, thế mạnh về sông nước và khai thông sức sáng tạo, tính năng động trong phát triển kinh tế của người dân và doanh nghiệp; tạo ra việc làm gắn với đời sống của người dân tạicác huyện ngoại thành và nhất là giữ được bản sắc văn hóa, nếp sống của cư dân địa phương. Phát triển du lịch đường thủy theo hướng đảm bảo cân bằng giữa khai thác và giữ gìn các tài nguyên du lịch ven sông, trật tự - an toàn sẽ góp phần thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững, giúp thực hiện các mục tiêu kinh tế xã hội văn hóa của Đảng và Nhà nước.


GIA KHANG

Bài đăng Tạp chí Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh, số 115-2015

Đi Myanmar

Đã có nhiều bạn, nhiều nhóm ở Việt Nam đi Myanmar không theo tour. Vì vậy thông tin và cảm nhận, đánh giá cũng như hình ảnh tuyệt đẹp về đất nước này không hề thiếu. Chỉ cần search trên google là có rất nhiều. Và càng đầy đủ hơn nếu đọc bằng tiếng Anh trên các trang như tripadvisor hay lonely planet. Thế nên note này chủ yếu ghi chú lại, ghi chú thêm những điều mà mình, khi tìm thông tin chuẩn bị cho chuyến đi, vẫn còn chưa rõ.
Đi Myanmar không hề khó và nguy hiểm, vì theo mình thì người dân Myanmar hiền hậu, hiếu khách và vẫn chưa làm du lịch theo kiểu duy lợi nhuận (dù du lịch Myanmar, theo mình, có những điểm cực chuyên nghiệp). Cái khó đối với dân du lịch bụi là giá vé máy bay. Nếu chủ động thời gian đi, thì hình như chỉ có vietnamairlines bay thẳng sang Yangon từ Tân Sơn Nhất và Nội Bài với tần suất 3 chuyến/ tuần; nhưng giá vé không dễ chịu chút nào. Còn nếu muốn vẫn đi với vietnamairlines mà tiết kiệm chi phí thì chỉ có cách săn vé khuyến mãi.
Cách thứ 2 đi Yangon là mua vé của air asia, quá cảnh Bangkok. Nhưng kinh nghiệm săn vé của mình là ngày có vé rẻ đi Bangkok thì không có vé rẻ từ Bangkok đi Yangon. Do vậy, có 2 chọn lựa. Một là ngủ đêm ở sân bay để hôm sau đi Yangon. Hai là chơi ở Bangkok 1 ngày rồi đi Yangon. Hihi.
Myanmar có các điểm chính để đi là Yangon, cố đô Bagan, thủ đô cũ Mandalay và tỉnh Shan, nơi có hồ Inle nổi tiếng. Mọi thông tin về các điểm này, du khách đến Yangon đều có thể hỏi tại quầy thông tin ngay sân bay. Chỉ cần hỏi, nhân viên ở đây sẽ cung cấp cho bạn 1 bản đồ du lịch to đùng, bao gồm bản đồ của Yangon, Bagan, Mandalay và Inle. Cả chuyến đi, mình chỉ cần dùng bản đồ này. Ngoài ra, mình có thể nhờ nhân viên ở đây liên hệ mua vé xe bus, vé máy bay và gọi ta xi. Họ cực kỳ niềm nở, tận tình và kỹ lưỡng. Trước khi ghi tên vào vé và thu tiền, bao giờ họ cũng ghi ra giấy tên khách, hành trình, giờ xuất phát, giờ đến và cả giá cả để khách kiểm tra lần cuối. Điểm mình thích là, dịch vụ đổi tiền có tỷ giá rất cao so với bên ngoài, nên theo mình, nên đổi tiền ở sân bay. Thứ hai là, bạn có thể yên tâm về các dịch vụ mà tourist information giới thiệu. Anh chàng tài xế taxi bảo rằng giá vé xe bus đi Bagan mắc hơn hãng khác. Nhưng mình thích cái xe mới cáu, ghế to bằng hạng ghế thương gia máy bay, cái chăn tím rịm, bánh ngọt với trà và cafe trên xe; nhất là wifi free chất lượng cao ở trạm chờ (điều rất khó kiếm suốt thời gian ở Myanmar nếu bạn chỉ ở guest house) của hãng JJ Express do họ giới thiệu.
Tham quan ở Yangon chủ yếu là chùa, cộng thêm giá phòng rất đắt đỏ nên đa số các nhóm từ Việt Nam đều chọn cách tranh thủ đi quanh Yangon ngay khi đến rồi tối đi xe bus sang Bangan hoặc Mandalay để tiết kiệm tiền phòng. Riêng mình thấy khách tây ở Yangon khá đông. Ở Yangon, điểm mà du khách hay đến là chùa Swagedon. Vé vào cổng cho du khách là 8$ (người bản địa thì miễn phí), bao gồm 1 bản đồ chi tiết quần thể ngôi chùa này. Ngoài ra, còn có chùa Phật nằm. Từ Yangon, các tour của Việt Nam thường đưa khách đi Bago cách đó khoảng 200km. Ở Yangon, nên thuê xe ta xi đi đến tối, họ sẽ đưa mình đến thẳng bến xe bus vào cuối ngày để đi Bagan. Xuất phát lúc 8g30 tối, bạn sẽ đến Bagan chừng 6g sáng hôm sau. Giá taxi độ khoảng 30$ cho một chuyến đi quanh Yangon và ra bến xe bus.
Ở Bagan, theo mình, nên dành ít nhất 2 ngày, trong đó một ngày thuê xe ngựa đi quanh các con đường tuyệt đẹp ở Old Bagan, từ sunrise đến sunset khoảng 30$. Ngày thứ 2 thì nên thuê xe đạp giá 5$/chiếc đi sang khu New Bagan và ngắm sunset. Tối đi xe bus sang Mandalay hoặc thẳng tới tỉnh Shan. Vé xe bus từ Bagan đến Mandalay là 7,5$/khách. Và khi mua vé, nên nói tên nhà nghỉ hay khách sạn mình đang ở, nếu thuận đường, xe sẽ ghé đón. Còn nếu không, bạn phải đến trạm trước giờ xe khởi hành. Cũng nên lưu ý là ở Myanmar, xe đi rất đúng giờ.
Chuyến xe cuối rời Bagan là 20g30, và nếu xuống Mandalay, bạn sẽ ở bến xe khách cách trung tâm Mandalay khoảng 11km vào lúc 4g sáng. Từ đây, tốt nhất là gọi ta xi đi vào nhà nghỉ hay khách sạn với giá khoảng 7$. Còn nếu chưa hề book được phòng như mình, thì cũng cứ gọi ta xi và nói với tài xế. Họ sẽ chở bạn vào trung tâm Mandalay, ghé từng cái nhà nghỉ hay khách sạn mà bạn yêu cầu, cho đến khi bạn tìm được phòng, họ mới nhận 7$ tiền xe. Đó là điều khiến mình muốn quay trở lại Myanmar.
Ở Mandalay, bạn có thể mua city tour với các điểm đã định sẵn trong hành trình với giá 30$/xe từ sunrise đến sunset. Bạn nên quen với cách thuê xe này, vì taxi ở Myanmar không hề có đồng hồ công tơ mét. Một là thuê nguyên ngày, còn nếu bạn vẫy ta xi dọc đường, phải nói điểm đến để tài xế nhẩm tiền và ra giá. Không có chuyện bảo tài xế cứ chạy đi, bao giờ xuống thì tính tiền, vì họ không biết phải tính như thế nào. Bạn đừng nghĩ đến chuyện thuê xe máy ở Mandalay, vì xe cộ cũng đông tầm cỡ Sài Gòn, và hơn nữa, đường đi các điểm cứ loanh quanh, chỉ hỏi đường thôi đã mất cả buổi sáng. Điểm đến quan trọng nhất ở Mandalay là cầu U Bien, hầu như không có du khách nào đến Myanmar bỏ qua chỗ này.
Từ Mandalay đi tỉnh Shan, có 2 cách. Một là đi xe bus, hai là đi máy bay. Máy bay nội địa ở Myanmar cũng là một trải nghiệm thú vị cho du khách. Sau khi làm thủ tục và vào khu vực chờ lên máy bay, bạn sẽ bối rối không biết mình lên máy bay từ cổng nào. Vì tất cả hành khách của các chuyến bay đều ở cùng một khu vực và chẳng hề có cổng nào đánh số như sân bay nước mình. Cứ yên tâm ngồi chờ, sẽ có nhân viên giơ một cái bảng ghi tên hãng, mã chuyến bay và nơi đến. Điều cần làm là sắp đến giờ bay, thỉnh thoảng bạn phải ngó nghiêng xem có ai giơ bảng ghi chuyến bay của mình không. Hehe. Và bạn sẽ hỏi là nếu thế thì hành khách quá đông ở khu chờ bay thì làm thế nào. Bạn yên tâm, vì nếu bạn có đến sớm hơn giờ check in ghi trên vé, nhân viên sân bay cũng không cho bạn vào. Nên chẳng có chuyện ùn ứ khách đâu nhé. Hehe
Khi đến tỉnh Shan, bạn có thể ở nhà nghỉ trong ngôi làng gần hồ Inle rồi thuê thuyền đi chơi hồ, giá khoảng 20$/chiếc. Hoặc bạn ở các resort trên hồ. Nếu ở nhà nghỉ ngoài làng, bạn sẽ phải dậy sớm, mặc đồ ấm quấn khăn rồi ra bến thuyền vì buổi sáng và tối, trên hồ rất lạnh. Và từ bến thuyền phải mất chừng 40 phút mới vào đến hồ. Ngắm bình minh và hoàng hôn trên hồ cực kỳ đẹp.
Đi Myanmar, không cần băn khoăn khoản ăn uống. Theo mình thì cơm Myanmar gần với cơm Việt Nam, có món mặn, món canh và rau xào. Bạn nên nghe lời tài xế taxi, anh chàng đánh xe ngựa, họ sẽ đưa bạn đi ăn ở quán ngon và rẻ. Mình đã thử 3 lần, và lần nào cũng hài lòng. Hihi.
Nếu có cơ hội, mình nhất định quay lại Myanmar!
Chi phí cơ bản (không có vé máy bay):
  • Taxi: trung bình 30$/ngày
  • Phòng (nếu ở guest house): 30$/ngày/2 người, có america breakfast
  • Vé vào Bagan: 15$/khách, thời gian 5 ngày từ ngày mua vé
  • Vé vào Inle: 10$
  • Vé xe bus Yangon -Bagan: 15-20$
  • Vé xe bus Bagan -Mandalay: 7,5$
  • Vé máy bay Mandalay -Heho (để đi Inle lake): 60$
  • Vé máy bay Heho-Yangon: 116$
  • Thuyền tham quan Inle Lake 18-25$/ngày
  • Xe ngựa Bagan: 30-35$/ ngày tuỳ trình độ thương thuyết
  • Mini hotel ở gần trung tâm Yangon: 50-100$/ ngày tuỳ khu vực. Ks 3* gần chợ đá quý 128$ deluxe room :))
  • Phòng resort trên hồ Inle: thấp nhất 110$


Đi Chiang Mai

Chiang Mai là một tỉnh lớn của Thái Lan, là một trong những trung tâm lớn góp phần hình thành nên vương quốc Thái Lan hiện nay. Chiang Mai cũng là một trong những điểm đến thu hút khách du lịch vào bậc nhất nhì của Thái Lan. Nhưng không giống Bangkok hay Pattaya, Chiang Mai thu hút du khách bằng sự êm đềm, thanh bình và chậm rãi. Chiang Mai cách Bangkok tương đương khoảng cách Sài Gòn – Đà Nẵng. Du khách đến Chiang Mai, nếu thích sống chậm thì ở khu trung tâm thành cổ, vãn cảnh chùa, ăn uống, lang thang chụp ảnh bằng xe đạp hay đi bộ. Nếu thích mạo hiểm khám phá thì đi vào khu bảo tồn với đủ mọi thứ từ trekking đến chèo thuyền, đu dây nhảy thác. Khách già trẻ lớn bé điềm đạm hay sôi nổi đều có thể tới Chiang Mai. Đó là cái mà các thành phố du lịch của Việt Nam mình chưa làm được.

Có nhiều cách đi Chiang Mai. Một là mua vé của air asia bay quá cảnh Bangkok. Hai là bay sang Bangkok rồi mua vé máy bay nội địa đi Chiang Mai. Ba là bay sang Bangkok rồi đi xe bus hoặc xe lửa đến Chiang Mai. Mình đi theo cách thứ ba, bằng xe lửa. Đi theo cách này, có một điều phiền là từ sân bay, bất kể là Suvarnabhumi hay Don Muang, bạn đều phải tìm cách đi đến ga xe lửa hoặc bến xe. Nhưng du lịch Thái Lan lại hơn Việt Nam mình bởi hệ thống tàu điện đi khắp Bangkok vừa thuận tiện lại vừa rẻ. Bản đồ tàu điện Bangkok, du khách có thể lấy thoải mái tại sân bay. Tại sân bay Suvarnabhumi, xuống tầng hầm là bến tàu điện Airport Railway Link. Có 2 loại tàu, một là Express Line, chạy thẳng từ sân bay đến trạm Makasan, không dừng trạm nào. Hai là loại railway thường, dừng 4 trạm trước khi đến Makasan, giá từ sân bay đến Makasan là 35bth/ người. Nếu có tiền mệnh giá dưới 100bth thì có thể mua vé tự động. Bấm chọn English, bảng sẽ chuyển sang tiếng Anh, bấm chọn điểm đến, số người xong đút tiền vào khe, máy sẽ tự động trả ra tiền thối và vé xe. Vé xe là cái đồng nhựa như trong casino. Nếu không có tiền mệnh giá nhỏ thì đến quầy vé mua. Để qua cửa, quét mặt chữ vào máy quét. Lưu ý là phải giữ cái thẻ nhựa đó để đút vào máy thì mới ra khỏi ga được. Bằng không xem như mình đi lậu vé.Khi đến trạm Makasan thì xuống tàu, xuống một tầng và đi về phía có chữ Phetchaburi. Theo đường đó đi thì sẽ đến trạm thứ 2 bán vé tàu MRT. Mua vé tự động như trạm đầu tiên, chọn ga đến là Hua Lamphong, giá 29bth. Đến trạm cuối, đi về phía số 2, lên khỏi mặt đất rẽ phải là ga Hua Lamphong. Vào ga, phía tay trái là quầy bán vé. Muốn mua vé phải có passport nên không thể mua trực tuyến. Có thể tham khảo giờ tàu chạy, loại ghế và giá vé tại www.railway.co.th. Nếu chưa đến giờ tàu chạy, có thể gửi hành lý ở phía cửa ra đối diện quầy vé. Nếu hành lý kích thước bình thường, không quá khổ thì gía 50bth/ kiện/ ngày. Khi mình bảo gửi 1 hour, anh bạn kêu same price. Hehe. Tàu lửa là một trải nghiệm rất thú vị. Mình đi vé đắt nhất giá 800bth (nhưng không có chai nước và khăn lạnh), giường nằm máy lạnh. Tàu chạy không ồn như tàu Việt Nam, và đặc biệt mỗi giường nằm đều có rèm che rất kín đáo. Bận từ Chiang Mai về Bangkok, mình thậm chí còn được đi toa dành riêng cho phụ nữ và trẻ em. Hihi. Lưu ý là tàu lửa Thái dùng “car” để chỉ toa tàu nhé, toa số 3 sẽ ghi là car number: 3. 

Ở Chiang Mai, nên thuê guest house phía ngoài thành cổ, chỉ cần đi bộ khoảng 10p là vào đến. Giá các guest house khoảng độ 350 đến 800bth tùy loại phòng quạt hay máy lạnh. Trong khi trong khu thành cổ, giá thấp cũng phải 1800bth. Các điểm tham quan ở Chiang Mai, chỉ cần search trên mạng là ra.

Chiang Mai, theo mình, so với Hội An thì không có gì đặc sắc hơn. Nhưng họ khai thác tốt, quảng bá tốt; đặc biệt là toàn dân làm du lịch rất chuyên nghiệp và rất có khiếu thẩm mỹ. Trong khu thành cổ Chiang Mai, có cả tỷ quán beer, quán cafe và tiệm massage nằm san sát nhau. Nhưng không có quán nào decor giống quán nào mà tất cả các quán đều có duyên riêng. Cũng không có chuyện nhân viên quán ra lôi kéo, nắm khách kéo vào. Càng không có chuyện chửi nhau giành khách. Cái này thì Việt Nam mình phải học nhiều.

Đi Phú Yên

Có nhiều cách đi Phú Yên.
Thứ nhất là đi máy bay. Nhưng giá không rẻ. Sân bay về trung tâm cũng gần.
Thứ hai là đi xe. Xe Mai Linh, xe Phương Trang thường chỉ dừng ngoài quốc lộ chứ không chạy vào thành phố. Từ quốc lộ vào trung tâm cũng không xa lắm. Taxi khoảng 100k. Nếu đi xe Thuận Thảo thì sẽ chạy thẳng vào trung tâm vì Thuận Thảo là một tập đoàn lớn với hệ thống khách sạn và khu vui chơi ở Phú Yên.
Thứ ba là đi xe lửa. Hành trình Sài Gòn – Phú Yên. Tuy nhiên tàu tuyến này là tàu SE nên chuyện trễ tàu là bình thường và cũng đi lâu hơn.
Một trong những cách đi thú vị là đi tàu Sài Gòn – Nha Trang. 8g tối hôm nay lên tàu, 5g sáng hôm sau đến Nha Trang. Ăn sáng cafe xong thì thuê xe máy ở Nha Trang (120k/ngày) chạy dọc theo đường Trần Phú ra quốc lộ rẽ phải là đi về Phú Yên. Hành trình 120km, sẽ đi qua Đại Lãnh, đèo Cả và đầm Ô Loan. Từ Nha Trang xuất phát khoảng 9g30 thì có thể tắm biển và ăn trưa ở Đại Lãnh. Đi bằng xe máy, đến Ô Loan chạy men theo biển, có thể tham quan những bãi nuôi sò huyết – đặc sản Ô Loan.
Ở Phú Yên không có nhiều điểm tham quan nhưng những điểm tham quan ở Phú Yên rất thú vị. Từ trung tâm thành phố chạy khoảng 30km theo hướng ra Bắc có 2 điểm tham quan không thể bỏ qua là nhà thờ Mằng Lăng và Ghềnh đá dĩa. Nhà thờ Mằng Lăng có kiến trúc đẹp và đang trưng bày bản in đầu tiên của từ điển chữ quốc ngữ. Từ Nhà thờ Mằng Lăng chạy vào thêm 3km là đến Ghềnh đá dĩa. Ở Phú Yên 2 ngày là đủ để khám phá. Giá cả sinh hoạt tại Phú Yên cũng rất dễ chịu.
Từ Phú Yên nên chạy về hướng Nha Trang từ chiều hôm trước, ngủ ở bãi Môn Mũi Điện một đêm để sáng hôm sau ngắm bình minh và đi hải đăng Đại Lãnh. Sau đó tham quan Vũng Rô và chạy về Nha Trang. Trước khi vào Nha Trang, tắm bùn ở suối khoáng Tháp Bà. Tầm 6g chiều chạy vào thành phố, ăn nem nướng rồi trả xe máy, ra ga lên tàu về lại Sài Gòn.
Tối thứ 5 lên tàu, sáng thứ 6 ở Nha Trang. Chiều chủ nhật lên tàu về lại Sài Gòn. Quá hoàn hảo cho một chuyến đi.
Hihi.